Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, January 20, 2016 , 0 bình luận

Vị thế, sức mạnh của một quốc gia dân tộc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cùng với thể chế chính trị hợp xu thế, hợp lòng dân; nền kinh tế quốc dân tăng trưởng ổn định; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT được tăng cường, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc, văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy văn hóa phát triển đúng hướng, góp phần bảo đảm quyền văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.

>>Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc: Đổi mới mà không "đổi màu" (bài 2)
>>
Đám loa làng dân chủ từ kêu gọi sang hoạt động xã hội đen
>>
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại luận điệu tuyên truyền đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam”
>>
Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc: Sự thật hiển nhiên về tăng trưởng kinh tế (Bài 1)
>>Đảng các nước bày tỏ niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam
>>
Cảnh giác trước thủ đoạn “tung hỏa mù” trên Internet
>>Nâng cao công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”
>>
T.Ư không cản trở việc ứng cử tại Đại hội
>>Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về Hội nghị lần thứ 14 -BCH TW Đảng khóa XI

Không nên nhìn nhận văn hóa ở Việt Nam dưới con mắt… “thầy bói xem voi”!
Khi nhìn nhận, đánh giá về bức tranh văn hóa ở Việt Nam, thời gian qua, nhìn từ một số hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh, chưa chuẩn mực trong đời sống xã hội, một số ý kiến vội vã cho rằng, môi trường văn hóa xã hội bị vẩn đục, đời sống văn hóa của người dân nghèo nàn, tù túng; văn hóa đạo đức xuống cấp trầm trọng. Thậm chí có ý kiến còn “lập luận” là “người dân Việt Nam bị “o bế” vào một thứ văn hóa độc đoán, không dám “mở miệng”, ít có điều kiện tiếp cận với thế giới văn minh ở bên ngoài...(!)
Những ý kiến trên hoặc là nhìn nhận theo kiểu “thầy bói xem voi”, thiếu thấu đáo, khách quan, toàn diện do chỉ nhìn vào hiện tượng hời hợt bên ngoài rồi quy kết thành bản chất; hoặc là cố tình “nghiêm trọng hóa vấn đề” do cái nhìn thiếu thiện chí, động cơ chính trị lệch lạc, sai trái.
Dù trong thực tế, đời sống văn hóa của một bộ phận người dân chưa phong phú, văn hóa đạo đức có mặt xuống cấp, hiện tượng sùng bái văn hóa nước ngoài chưa được ngăn chặn hiệu quả, một số hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh chưa bị đẩy lùi... nhưng những hạn chế, bất cập đó không phải là “dòng chủ lưu chính” của văn hóa Việt Nam. Do đó, khi xem xét, đánh giá về thành tựu văn hóa của một đất nước, phải nhìn toàn diện từ hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đến quá trình triển khai tổ chức thực hiện và đặc biệt là hiện thực sinh động đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Ảnh minh họa. Nguồn TTXVN



Đi đôi với việc chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Năm 1998, sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, trong 18 năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hơn 140 nghị quyết, chỉ thị, luật, nghị định, quyết định... liên quan đến lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy văn hóa của đất nước phát triển.
Không ngẫu nhiên mà có tổ chức quốc tế đã từng đánh giá dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc hạnh phúc và có chỉ số lạc quan thuộc loại cao hàng đầu trên thế giới. Dù rất thận trọng khi tiếp nhận lời đánh giá đó từ bên ngoài, nhưng xem xét một cách khách quan, điều nhận định ấy ít nhiều có cơ sở. Bởi khi nhìn vào một quốc gia, ngoài sức mạnh vật chất và tiềm lực kinh tế, người ta còn xem xét cả sức mạnh văn hóa và tiềm lực tinh thần của cộng đồng dân tộc. Việt Nam tuy chưa phải là một quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, song đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đã và đang trên đà phát triển lành mạnh. Người dân ngày càng có điều kiện hưởng thụ các giá trị văn hóa tốt đẹp không chỉ ở trong nước, mà còn tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại để không ngừng làm giàu đời sống tâm hồn của mình. Thành quả đó có được là nhờ công cuộc “chấn hưng văn hóa” từ năm 1986 đến nay. Điều này cũng phù hợp với nhận định của bà Pha-ri-đa Sa-hit (Farida Shaheed), Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong dịp đầu năm 2015: “Việt Nam đã có những kết quả nổi bật trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là việc mở rộng tiếp cận của người dân với giáo dục và văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân
Suốt 30 năm qua, trong chính sách phát triển, đi đôi với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, các địa phương luôn dành một khoản ngân sách để xây dựng các thiết chế văn hóa. Nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa cũng không ngừng gia tăng, phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước trong mỗi giai đoạn. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngân sách Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực văn hóa-thông tin giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 37.670 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với 5 năm trước đó (2001-2005). Tỷ trọng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này luôn đạt từ 1,9 đến 2,1% tổng chi ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện nguồn ngân sách phải tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, mà Nhà nước vẫn dành ưu tiên cho lĩnh vực văn hóa như vậy, là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Một trong những thành tựu văn hóa nổi bật của nước ta sau 30 năm đổi mới dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cả nước không ngừng được gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Nếu như thời bao cấp, nhiều nơi “vắng bóng” (nhất là địa phương miền núi) các khu vui chơi, trung tâm văn hóa, thì đến nay, cả nước đã có hơn 5.000 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao; gần 55.000 thôn, bản có nhà văn hóa-thể thao; hơn 36.200 sân vận động và sân bóng đá do cấp xã quản lý; 38.400 câu lạc bộ thể dục thể thao ở cơ sở; 6.900 khu vui chơi trẻ em; 17.316 thư viện công cộng; 98% số xã đã có điểm bưu điện-văn hóa. Đến cuối năm 2015, diện tích phủ sóng phát thanh đạt hơn 96% lãnh thổ và diện tích phủ sóng truyền hình đạt hơn 98% diện tích lãnh thổ. Hạ tầng viễn thông và internet cũng đã đến với hầu hết các xã miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Không có thiết chế văn hóa, không thể có đời sống sinh hoạt văn hóa vui tươi, phong phú. Vì vậy, việc Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa khắp mọi nơi trên đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi biên giới đến hải đảo, đã góp phần kiến tạo không gian văn hóa lành mạnh để mọi tầng lớp nhân dân có thể “tắm mình” trong đó.
Tính nhân văn trong chính sách văn hóa của Nhà nước Việt Nam còn thể hiện ở các mục tiêu quốc gia về văn hóa với những chương trình thiết thực như: Chống di tích lịch sử xuống cấp; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam; phát triển văn hóa thông tin cơ sở và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở những địa bàn khó khăn. Chỉ tính ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2015 đã là gần 7.400 tỷ đồng. Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay, nhiều xã miền núi, biên giới, hải đảo đã được xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao, điểm bưu điện văn hóa, phòng đọc cộng đồng, điểm truy nhập internet công cộng... Cũng nhờ chính sách bảo tồn di sản dân tộc, sau nhiều năm bị thất truyền, mai một, đến nay, ngành văn hóa đã hỗ trợ bảo tồn 54 lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo tồn 23 bản, buôn, làng truyền thống tiêu biểu, với số tiền 1,8 tỷ đồng/bản. Chính sách này rất hợp với nguyện vọng bấy lâu nay của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tăng cường vị thế văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế
Một thành tựu văn hóa rất đáng kể trong thời kỳ đổi mới là chúng ta không chỉ chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, mà còn tiếp thu có chọn lọc nhiều loại hình, sinh hoạt văn hóa có xuất xứ từ nước ngoài. Bên cạnh tăng cường nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước ngoài như phim, ảnh, sách, băng đĩa ca nhạc và đón hàng trăm đoàn, nhóm ca sĩ, nghệ sĩ của các nước đến Việt Nam tham gia biểu diễn và giao lưu với công chúng, chúng ta cũng chứng kiến sự “bùng nổ” của rất nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa mới như các cuộc thi sắc đẹp, khiêu vũ, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, pop-art, video-art, digital-art... Nhiều lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng được giới trẻ nhiệt tình đón nhận như: Ngày lễ Tình yêu (Valentine 14-2), Lễ hội hóa trang Halloween (31-10), Ngày lễ Giáng sinh (Noel 25-12)... Những hình thức văn hóa mới này vừa làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, vừa khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa tiến bộ, nhân văn cả ở trong nước và nước ngoài.
Chính sách mở cửa, hội nhập với thế giới cũng tạo điều kiện cho hình ảnh văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên bầu trời nhân loại. Kể từ năm 1993, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay, Việt Nam đã có 20 di sản được vinh danh. Điều đáng nói là, trong số 20 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh trong hơn hai thập niên qua, chỉ có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, còn lại là 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đấy là chưa kể đầu tháng 12-2015 vừa qua, di sản Kéo co của 4 nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin và Hàn Quốc đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những ví dụ sinh động này trái ngược hẳn với ý kiến thiển cận cho rằng, văn hóa Việt Nam “không chịu hội nhập với văn hóa nhân loại” (!).
Văn hóa không chỉ là diện mạo, hình ảnh của quốc gia, mà còn là sức sống bền bỉ và sức mạnh to lớn của cộng đồng dân tộc. Việc Việt Nam chú trọng quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa không chỉ nhằm củng cố, tăng cường “sức mạnh mềm” của đất nước, mà còn khẳng định vị thế văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, cùng với những thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những thành tựu về văn hóa đã minh chứng con đường đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta được khởi xướng từ năm 1986 là hoàn toàn đúng đắn, hợp xu thế thời đại và là tiền đề, động lực để thúc đẩy đất nước ta tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Theo THIỆN VĂN (báo Quân đội Nhân dân điện tử)

>>Mời bạn đọc bài 1: Sự thật hiển nhiên về tăng trưởng kinh tế
>>M ời bạn đọc bài 2: Đổi mới mà không "đổi màu" 
>> Mời bạn đón đọc bài 4: Những tiến bộ vượt bậc về công tác an sinh xã hội

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X