Và nhằm mục đích nói trên họ đã và đang “phát động” một cuộc “tự ứng cử” ồn ào trên xã hội ảo. Chẳng hạn họ viết: “Khi nào việc tự ứng cử thành công?”; “Phong trào tự ứng cử vào Quốc hội tại Việt Nam”; “Hỏi và đáp về phong trào ứng cử tự do”; “Ký tên ủng hộ” ông này, ông khác ứng cử Quốc hội khóa XIV (2016)”.

Dân chủ là gì? Bầu cử, ứng cử trong xã hội ta có thật sự dân chủ hay không hay đó chỉ là “quyền ảo” như họ nói?

Cho đến nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều chế độ xã hội, nhiều mô hình dân chủ, cộng hòa. Chẳng hạn như chế độ dân chủ, cộng hòa ở Trung Quốc, Triều Tiên, Lào, …; chế độ cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghị như ở Argentina, Ai Cập, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Italia...; chế độ quân chủ nghị viện như ở Anh, Bắc Ailen, Bỉ, Campuchia… 

Ở chế độ quân chủ, nhà vua cha truyền con nối cùng với một số đặc quyền cho Hoàng gia được xem là “mặc định”. Tuy nhiên trong các chế độ nói trên vẫn tồn tại chế độ dân chủ với nghĩa người dân có quyền tham gia vào các cuộc bầu cử, ứng cử để lựa chọn ra các chức vụ quản lý nhà nước và xã hội theo luật định. Ở các quốc gia tồn tại chế độ đa đảng, các cuộc bầu cử cử tri thường lựa chọn đại biểu từ các chính đảng.   

Và bởi vậy ở quốc hội, hay nghị viện, đại đa số đại biểu là những đại diện của các đảng chính trị. Số đại biểu độc lập thường rất ít.

Ở nước ta chế độ bầu cử, ứng cử được Hiến pháp quy định. Trong đó vai trò của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chế độ bầu cử của xã hội ta được thực hiện theo những chuẩn mực dân chủ phổ biến nhất thế giới. 
Đó là việc bảo đảm các nguyên tắc: Tự do, bình đẳng và công bằng. Các nguyên tắc đó là: Tất cả công dân đến tuổi bầu cử, ứng cử đều có quyền tham gia bầu cử, ứng cử; tất cả cử tri đều bình đẳng, không có cử tri lớn (đại cử tri) cử tri bình thường; tất cả những cương vị trọng trách đều bị hạn chế về chế độ nhiệm kỳ, hoàn toàn không có ngoại lệ cho bất cứ ai.

Công tác tổ chức bầu cử, ứng cử của Nhà nước ta theo Hiến pháp và Luật Bầu cử Quốc hội, HĐND. Hội nghị hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vai trò của Hội đồng bầu cử Quốc gia là một sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta.

Chỉ có hoạt động hiệp thương và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia mới bảo đảm xác định được đúng tiêu chuẩn (đại biểu), cơ cấu đại biểu (bảo đảm đầy đủ các giai- tầng, thành phần dân tộc, giới tính, tôn giáo…), tạo ra sự đồng thuận xã hội và thực hiện các quy định khác để bảo đảm cho các cuộc bầu cử được công bằng, bình đẳng… Tất nhiên còn nhằm bảo đảm an toàn, phòng ngừa những kẻ xấu lợi dụng chế độ dân chủ phục vụ cho những động cơ chính trị tiêu cực.

Như vậy có thể nói, nếu không có hoạt động hiệp thương thì không thể đưa ra được một danh sách đề cử mang đầy đủ tính đại diện cho cơ quan quyền lực. Và do đó không thể bảo đảm để người dân có điều kiện tham gia vào công việc quản lý Nhà nước và xã hội. 

Thực tế cho thấy, trong các cuộc bầu cử, cá nhân cử tri rất ít thông tin trực tiếp về người được đề cử hoặc người tự ứng cử, bởi vậy cử tri dựa vào sự giới thiệu của cơ quan hiệp thương là việc tất nhiên, hơn nữa là mong muốn của cử tri.

Nhằm bảo đảm cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV thành công, vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 4-1-2016 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. 

Chỉ thị yêu cầu: Bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đặc biệt “không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ”.

Rút kinh nghiệm từ các khóa trước, Chỉ thị 51 yêu cầu cuộc bầu cử lần này cần chú ý đến cơ cấu đại biểu hợp lý: Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh… 

Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Tại hiệp thương lần thứ nhất ngày 16-2-2016 vừa qua, hội nghị đã công khai thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ở các cơ quan, tổ chức Trung ương, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương. Với tinh thần dân chủ cởi mở, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu vấn đề.

Chẳng hạn nên nâng cao hơn số lượng đại biểu là người ngoài Đảng; nâng tỷ lệ đại biểu nữ lên khoảng 30%; cần rút kinh nghiệm phát huy dân chủ của Đại hội XII đưa vào cuộc bầu cử Quốc hội lần này; nên có cơ cấu cho người tự ứng cử nhưng chú ý đến tiêu chuẩn… 

Như vậy là không có chuyện “quyền bầu cử, ứng cử” trong xã hội ta chỉ là “quyền hão”; không có chuyện Đảng và các tổ chức “nối dài của Đảng độc quyền “đề cử” hoặc “ngầm lựa chọn” người ra tự ứng cử như luận điệu xuyên tạc, vu cáo.

Trong bối cảnh mạng Internet phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay, thiết tưởng mọi người cần tỉnh táo lựa chọn thông tin, như lựa chọn rau sạch, không để các MC “dân chủ” ảo dẫn dắt gây ra những nhận thức sai lầm, bức xúc đối với chế độ xã hội, quay lưng đối với các thành quả mà nhiều thế hệ tạo dựng bằng mồ hôi, xương máu của mình mới có được như ngày nay.

Theo Bắc Hà (báo Công an Nhân dân)