Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, October 20, 2018 , 0 bình luận

Hiện nay, internet và các trang mạng xã hội đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, tạo môi trường lan truyền hiệu ứng xã hội mau lẹ, rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Việt Nam đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, như: Facebook, Twitter, Zalo,… lớn nhất thế giới. Vì vậy, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đối với nước ta.

Vụ kẻ phản bội dân tộc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đi tị nạn ở Mỹ: Hoàn thành giấc mơ Mỹ chỉ bằng công thức 3 cộng

1. Thủ đoạn, phương thức hoạt động.
Các thế lực thù địch lợi dụng những kênh truyền hình trên internet, hàng ngàn trang web và mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ vũ giá trị dân chủ tư sản, tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của quyền con người với luận điệu:“nhân quyền cao hơn chủ quyền”“lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”. Đồng thời, xuyên tạc, bóp méo những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo nhằm vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo, tạo cớ để bên ngoài can thiệp. Thông qua internet, mạng xã hội, chúng đẩy mạnh các chiến dịch “phá hoại tư tưởng” khi đất nước tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; ban hành các luật hoặc khi Việt Nam tham gia các hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc,... từ đó kích động, lôi kéo nhân dân tham gia biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa


Một trong những phương thức được chúng tăng cường sử dụng trong thời gian gần đây là: dùng internet, mạng xã hội để móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống phá từ bên trong. Dưới chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước”,... các đối tượng ở nước ngoài đã cấu kết với số đối tượng trong nước, tìm cách hình thành, phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” cùng các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp, như: “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”, v.v. Trong đó, số bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước. Ngoài ra, chúng còn tìm cách tiếp cận, mua chuộc cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đang làm việc trong các bộ phận trọng yếu, cơ mật để cung cấp tài liệu, thông tin bí mật quốc gia cho chúng sử dụng chống phá nước ta.
Internet, mạng xã hội cũng là kênh chủ yếu để chúng tán phát các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên, như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ; Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu,... với nội dung xuyên tạc, vu cáo nước ta đàn áp dân tộc, tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình ở Việt Nam. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an,... nhằm phá hoại nội bộ, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội. 
Với khả năng tương tác và cung cấp thông tin nhanh chóng, internet, mạng xã hội cũng được các thế lực thù địch sử dụng để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội; phương thức lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp,... nhằm mục đích cản trở hoạt động của các cơ quan, các tập đoàn kinh tế, phá hoại nền kinh tế của đất nước1.
Trước thực trạng trên, những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta, như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và mới đây nhất là Luật An ninh mạng. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, xuất bản, internet; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo tăng cường các nội dung giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội, v.v.
Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách và đạt được những kết quả nhất định trong phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá nước ta. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: việc bảo vệ thông tin nội bộ của nhiều tổ chức và cá nhân còn sơ hở, chưa được bảo mật tốt; công tác tuyên truyền, định hướng và đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn thụ động, thiếu sắc bén. Năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội có mặt còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu nên gặp nhiều khó khăn trong phát hiện, thu thập chứng cứ và thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong khi đó, tội phạm là những đối tượng có kiến thức, trình độ, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và liên tục thay đổi phương thức hoạt động trên phạm vi rộng, đặc biệt là từ nước ngoài nên rất khó phát hiện, đấu tranh, xử lý.  
2. Giải pháp đấu tranh phòng, chống.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá nước ta với những phương thức, thủ đoạn táo bạo hơn, tinh vi hơn. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động này cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Do vậy, cơ quan chức năng các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên thấy rõ những tác động tích cực và tiêu cực của internet và mạng xã hội; nâng cao khả năng nhận diện và “miễn dịch” với các thông tin xấu độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội. Đồng thời, chủ động phát hiện, kịp thời tố giác với cơ quan chức năng các hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật Việt Nam; xây dựng quy chuẩn và phong cách văn hóa khi tham gia hoạt động trên không gian mạng; có ý thức cảnh giác, không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia, Quân đội.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, nắm tình hình. Các cơ quan chuyên trách phải chủ động, nhạy bén, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức hoạt động mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Việc phát hiện phải bảo đảm từ xa, từ bên ngoài, từ trung tâm của chúng để tham mưu đúng, trúng và kịp thời triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả việc lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta. Tổ chức tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các đối tượng chống phá.
Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, an ninh mạng. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng làm cơ sở pháp lý vững chắc trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng không gian mạng gây rối trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm an ninh quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 5, thuộc Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” gắn với thực hiện Quy hoạch phát triển An ninh thông tin số quốc gia đến năm 2020, Nghị định 27/2018/NĐ-CP, ngày 01-3-2018 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng,... nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với internet, mạng xã hội và ngăn chặn, xử lý các trang thông tin điện tử, blog có nội dung xấu độc.
Bốn là, thường xuyên kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách. Đấu tranh, phòng, chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá nước ta là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành và toàn dân, trong đó, lực lượng chuyên trách giữ vai trò quyết định. Do vậy, cần quan tâm bồi dưỡng lực lượng làm công tác này (nhất là bộ phận trinh sát, trực tiếp đấu tranh) có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sắc bén, tinh nhuệ trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để chống phá nước ta. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin và an ninh mạng để trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ mới và hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng chuyên sâu, chuyên trách làm công tác phòng ngừa, đấu tranh. Chú trọng vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các chính khách nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động lợi dụng không gian mạng chống phá nước ta. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư, trang bị các phương tiện, thiết bị và áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Đấu tranh phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi tổ chức và công dân để đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
HỮU ĐOÀN (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
________
1 - Chỉ riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 10 nghìn cuộc tấn công vào các website của nước ta, gây thiệt hại lớn cho các cơ quan quản lý và sử dụng.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X