Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, December 06, 2018 , 0 bình luận

LTS: Trong bối cảnh “loạn sử” hiện nay, người bàn xuôi kẻ phán ngược về lịch sử nước nhà, khiến dư luận không khỏi phân tâm. Tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều lại là của những người có chức sắc, phẩm hàm, nắm những địa vị có nhiều khả năng chi phối công luận, càng thêm phức tạp.


Cuốn sách Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, dày mấy trăm trang (Nguyễn Bá Thành – NXBĐHQG Hà Nội – 2016). Nói về thơ của giai đoạn lịch sử cực kỳ sôi động ấy thì vô cùng, nhưng chỉ mấy dòng đá sang sử lại như liều thuốc độc:
Giai đoạn 1945, khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chính thể Dân chủ cộng hòa phải rời thủ đô, sơ tán về chiến khu Việt Bắc hoạt động như một chính thể bất hợp pháp tổ chức kháng chiến chống Pháp. Hoạt động như một chính thể bất hợp pháp cũng đồng nghĩa như một chính thể bất hợp pháp (!)… Trong khi đó thì phía Pháp cùng với các nhóm chính trị thân Pháp lại tái lập một chính thể quân chủ lấy tên là Quốc gia Việt Nam, Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt. Thủ đô đặt tại Sài Gòn. Chính phủ này sau hiệp định Geneva đã tập kết về phía Nam sông Bến Hải, từ vĩ tuyến 17 trở về Nam. Cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955 tại miền Nam đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Sau đó Quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội lập hiến cho Quốc gia Việt Nam. Quốc hội này ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hòa”. Những dẫn dụ trên nhằm mục đích cuối cùng là “xác định” Việt Nam Cộng Hòa là chính thể hợp pháp!
Trên tuần báo Văn nghệ TPHCM số 521, ông Chu Giang cho rằng ông Nguyễn Bá Thành nếu không đạo văn thì đạo ý trong cuốn “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” (Nguyễn Thế Anh - Lửa thiêng Sài Gòn – 1970), coi cuộc Cách mạng tháng Tám như là một phong trào phá hoại phát khởi ở ngoài nước Việt Nam bởi Nga Xô để gây khó khăn cho chính phủ Pháp (!)… Vào tháng 7/1947 chính phủ Pháp đòi hỏi Việt Minh phải đầu hàng vô điều kiện thì Việt Minh rút vào rừng núi và tự coi là chính phủ lưu vong (!) trong các chiến khu”.
Chỉ một đoạn chừng 400 từ mà đã có nhiều điều rất sai lịch sử. Cụ thể là:

1- Nói Cách mạng tháng Tám  như là “một phong trào phá hoại phát khởi ở ngoài nước Việt Nam bởi Nga Xô để gây khó khăn cho chính phủ Pháp, không phải là xuyên tạc mà là ngu xuẩn. Trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1858 cho đến ngày 30/4/1975, trải qua nhiều thế hệ, tiền nhân ta đã liên tục nối tiếp nhau đứng lên giữ nước. Từ lãnh binh Trương Công Định cho đến các vị anh hùng nghĩa sĩ tiếp bước như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học… nhưng tất cả chỉ thành nhân mà không thành công. Mãi cho đến khi Mặt Trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân ta mới giành lại được độc lập chủ quyền cho dân tộc, đánh cho Pháp thua ở Điện Biên Phủ, tiếp đó là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước. Nhờ vậy, nước Việt Nam mới có chỗ ngồi ngang hàng với các quốc gia khác trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, và có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế như ngày nay. Đó là dòng chảy liên tục của lịch sử Việt Nam.

2-  Nói “một nhóm chính trị thân Pháp tái lập một chính thể quân chủ lấy tên là Quốc gia Việt Nam” là xuyên tạc.
Trước dã tâm tái xâm lược của thực dân Pháp, Chính phủ Việt Nam non trẻ càng nhân nhượng thì giặc Pháp càng lấn tới. Ngày 23/9/1945, Nam Bộ nổ súng kháng chiến. Ngày 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến lan ra toàn quốc. Trước sức đề kháng quyết liệt của những người không chịu làm nô lệ lần nữa, ngày12/5/1947, Bollaert cử cố vấn riêng Paul Mus, tới Thái Nguyên gặp Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, đưa ra những điều kiện mà Chính phủ Pháp đòi:

Một là: Ngừng ngay mọi hành động chiến tranh, khủng bố và tuyên truyền.

Hai là: Nộp một phần quan trọng vũ khí.

Ba là: Tự do đi lại cho quân Pháp trong toàn bộ lãnh thổ của Việt minh.

Bốn là: Trả lại các con tin, tù binh và hàng binh.
Hồ Chủ tịch đã trả lời khiêm nhường nhưng thẳng thắn: “Trong khối Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Tôi sẽ là kẻ hèn nhát nếu tôi chấp nhận”!
Thực dân chủ trương “tốc chiến tốc thắng”. Cuối năm 1947, tướng Salan tập trung đại quân đánh vào vùng căn cứ Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên với niềm tin chỉ cần ba tuần lễ là truy lùng đến tận sào huyệt, bắt gọn cơ quan đầu não của Việt Minh, bịt kín biên giới, cắt đứt sự chi viện từ ngoài vào, tiềm lực kháng chiến sẽ không còn! Thực tế là quân đội viễn chinh thì điêu đứng mà lực lượng kháng chiến càng mạnh hơn.
Đã không thể giải quyết gọn vấn đề Việt Nam trong khi Khối Liên hiệp Pháp rùng rùng chuyển động với những dấu hiệu bất an, người Pháp thấy rõ việc phải đánh lâu dài và họ muốn chuyển dần gánh nặng chiến tranh lên vai người Việt. Đó là chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Song song với những hành động quân sự, người Pháp ráo riết tiến hành những hoạt động chính trị để thực hiện chủ trương “Dùng người Việt đánh người Việt” của họ.                                   
Trong số con bài có trong tay, người Pháp tính Bảo Đại vẫn là hơn. Ngày 5/8/1948, Bollaert ký cái gọi là Hiệp định Hạ Long với người đại diện của Bảo Đại: “Nước Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, để quyền thống nhất lãnh thổ cho người Việt Nam tự quyết và nước Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp” – Đây là những đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam độc lập trong những cuộc đấu tranh trước đó.


Vua Bảo Đại ký Hiệp Ước Vịnh Hạ Long với Bollaert trên chiến hạm Duguay Trouin ngày 5 tháng 6, 1948Ảnh Flicker
Mưu toan gạt Chính phủ Hồ Chí Minh ra, người Pháp muốn tìm đại diện cho nhân dân Việt Nam theo ý của họ! Và cái gọi là Liên hiệp Pháp lúc này theo nhận xét của sử gia Trần Trọng Kim “chỉ là một thứ cũi chó mạ vàng”! Cái chính phủ ấy chỉ gồm một lũ bán rẻ quyền lợi của tổ quốc, cam tâm làm tay sai cho giặc. Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt nhưng Thủ đô vẫn là Hà Nội. Tiếp đó ngày 8/3/1949, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol bày trò ký Hiệp định Élysée với cựu hoàng Bảo Đại, tái xác nhận lập trường của Pháp tại Hiệp định Hạ Long. Sau đó, “Nghị viện Nam kỳ thuộc địa” nhóm họp, bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập Nam kỳ vào nước Việt Nam. Với kịch bản ấy coi như nước Pháp đã hoàn thành thủ tục về pháp lý để có được một nước Việt Nam thống nhất giao cho Bảo Đại làm Quốc trưởng và thành lập nội các với đầy đủ các Bộ và ba viện Thủ hiến Bắc, Trung, Nam.
Ngay lập tức Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố cảnh cáo rằng: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy. Đối với các nước trên thế giới, tôi thay mặt Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố không bao giờ thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào”.
Theo Daniel Grand Clément thì chẳng gì lúc đầu ông (Bảo Đại) cũng gây tác hại không nhỏ với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Minh. Dù được ngồi ngai Quốc trưởng mà Bảo Đại vẫn dửng dưng vì biết mình chẳng có thực quyền gì. Sau này, khi Thái tử Bảo Long trưởng thành, xin về Việt Nam theo học Trường sỹ quan Đà Lạt thì phụ vương lắc đầu bảo: “Làm gì có giải pháp Bảo Đại, chỉ có một giải pháp của người Pháp mà thôi!”. Có nghĩa cái quốc gia ấy chỉ là một trò hề.
Nhiều người còn nhớ trong Chiếu thoái vị, vua Bảo Đại nói: “… Sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc Trẫm đã biết bao ngậm đắng nuốt cay!”. Khi được Cụ Hồ thành tâm mời ra giữ chức Cố vấn tối cao của Chính phủ, ông Vĩnh Thụy đã gửi thư cho chính phủ Pháp nói ra sự thật:

“Hà nội, 16 Septembre 1945

“Trước hết, tôi gửi lời sang cho Chánh phủ Cộng-hòa Pháp quốc. Tôi trịnh trọng báo cáo cho Chánh-phủ biết rằng Chánh-phủ Cộng-hòa Dân-chủ Việt-nam đã thành lập.

 “Năm 1940, Chánh-phủ Pháp ở Đông-dương đã hiến một cách vô sỉ đất đai của chúng tôi cho phát-xít Nhật, nhưng chúng tôi đã giành được nền độc-lập hoàn-toàn ngày 2 tháng chín năm 1945”... (Điều 15 trong hòa ước Patenôtre  ghi: “Nước Pháp cam kết từ đây sẽ bảo đảm sự nguyên vẹn lãnh thổ của Đức Vua An Nam, bảo vệ Đức Vua chống lại những cuộc tấn công từ bên ngoài và những vụ nổi loạn bên trong”, rõ ràng một cách gián tiếp, Hiệp ước này đã bị người Pháp xé bỏ).
Từng học Trường cao cấp chính trị ở Paris, làm sao ông Bảo Đại không biết về mặt pháp lý, nước Việt Nam chẳng còn giàng buộc gì với nước Pháp nữaĐây chỉ là trò bịp! Nhưng trong vị thế của ông lúc này, chỉ còn biết cười trừ!
Thế nhưng vị giáo sư đứng đầu ngành sử học nước Việt Nam đương đại Phan Huy Lê, lại hóng hớt đẩy đưa: “Cũng vì cơ sở lịch sử và pháp lý đó (?) mà năm 1949, Tổng Thống Pháp ký với Bảo Đại hiệp ước Élysée trả lại đất Nam bộ cho Quốc gia Việt Nam chứ không phải một chủ thể nào khác đang vận động vùng đất nàylàm cho không ít người ngộ nhận rằng nhờ có Bảo Đại và thiện tâm của đế quốc Pháp mà Nam kỳ mới được trở về với mẹ! Nếu ở thế giới bên kia, phế đế biết chuyện này, hẳn ông tự an ủi mình: “Gặp lúc mạt vận, tau đành nhắm mắt đưa chân. Chừ gặp nước dâng gió đẩy mà kẻ ngồi thuyền còn làm điều trái đạo. Đời ni kỳ thiệt!”.

3- Thế nào gọi là chính phủ lưu vong? Thời gian 1940-1945, nước Pháp có hai chính phủ – Một là, chính phủ Vichy ở phía Nam, thực chất là chính phủ đầu hàng phản bội. Và hai, là chính phủ kháng chiến lưu vong ở Bắc Phi do tướng De Gaulle thành lập, hợp tác với phe Đồng minh chống phát xít. Khi nước Pháp được giải phóng, những người trong chính phủ phản quốc Vichy từng hợp tác chặt chẽ với Đức Quốc xã đều bị trừng trị bằng những bản án nặng nề. Trong khi Chính phủ Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống ngoại xâm ngay trên tổ quốc mình, sao gọi là chính phủ lưu vong?! Chẳng lẽ ngày trước vua tôi nhà Trần ba lần chống quân Nguyên Mông, từng di đô về căn cứ Thiên Trường, cũng là triều đình lưu vong sao? Người có chữ mà nói không suy nghĩ!

4- Chính phủ nào hơp pháp và chính phủ nào bất hợp pháp? Những người Viêt Nam sống vào thời kỳ lịch sử 1945-1946 đều không quên ấn tượng sâu sắc lần đầu tiên được thực hiện “quyền công dân phổ thông đầu phiếu”. Quốc hội bầu ra Chính phủ liên hiệp gồm đủ các thành phần trong xã hội: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Trần Huy Liệu, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tường Tam, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Vũ Trọng Khánh, Cù Huy Cận, Trương Đình Chi, Đào Trọng Kim, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Xuân.
Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, chính phủ ấy phân hóa không là điều lạ. Người bỏ cuộc theo gương Quốc trưởng, người theo kháng chiến tới cùng, người chẳng theo ai. Người viết tra cứu văn bản gốc của hai hiệp định lịch sử mang tầm quốc tế và dẫn ra một số ý chính liên quan tới nhận định này:

a/ Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về vấn đề phục hồi hoà bình tại Đông Dương, có 6 chương (Chapter), 47 điều (Article), được ký bởi:
Một bên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng TẠ QUANG BỬU, ký thay Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một bên là Thiếu tướng (Lữ đoàn trưởng) DELTEIL, ký thay Tổng Tư lệnh quân lực Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương (mà quân đội quốc gia Việt Nam là một thành viên).
Ông Trần Văn Đỗ lúc đó là Ngoại trưởng của nội các Ngô Đình Diệm do Bảo Đại vừa chỉ định, được cử đến Paris đứng ngó. Trong thư đề “Ngày 30 Aout 1983”, ông kể với Tướng Đỗ Mậu rằng: “Tôi sang Genève, không ai đả động gì đến ta cả. Trong lúc đó có tin ngoài hành lang nói đến việc chia xẻ đất đai. Tin đồn không biết thiệt hư, ở đâu ra. Bạn với thù họ đã thỏa thuận với nhau rồi để chia đôi đất nước. Từ năm 1946 đến 1954, dù trải qua các hiệp ước gọi là "công nhận nền độc lập"Hạ Long I (7/12/1947), Hạ Long II (5/6/1948), Elysée (8/3/1949), Matignon (4/6/1954) thì tất cả chỉ là lời hứa hẹn suông, chỉ là thủ đoạn lừa bịp của Pháp về một nền độc lập kiểu ban ơn, tiết lộ rằng thực chất QGVN cũng chỉ là một chính phủ bù nhìn, sinh ra vì quyền lợi, và mưu toan quay lại nền thực dân của Pháp ở Việt Nam”!

b/ Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ Hoa Kỳ, ngày 27/01/1973, có 9 chương (Chapter), 23 điều( Article), dựa trên căn bản Hiệp định khung được ký tắt giữa ông LÊ ĐỨC THỌ và ông HENRY KISSINGER sau 24 phiên họp kín rồi mới đưa ra Trung tâm hội nghị quốc tế trên phố Kléber để bốn bên bao gồm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa + Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam  Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ + Việt Nam Cộng Hòa (dưới sức ép của Hoa Kỳ) cùng ký.
Trong ảnh tài liệu ngày 13 tháng 6, 1973, Henry Kissinger (trái), Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ của Tổng Thống Nixon, và Lê Đức Thọ, Ủy Viên Chính Trị của Hà Nội ở ngoại ô sau buổi đàm phán. Lúc đó Kissinger là Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, lẽ ra được cùng chia giải thưởng Hòa Bình Nobel với lãnh đạo miền Bắc nước Việt Nam là Lê Đức Thọ vì đã làm trung gian để ngưng bắn trong chiến tranh Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam là người từ chối , không lãnh giải trước tiên, rồi Kissinger cũng không đi nhận giải thưởng nữa.
Trong hai mươi năm, hai Hiệp ước mang tầm cỡ thời đại được quốc tế thừa nhận, đã chứng tỏ trước nhân dân toàn thế giới rằng Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa là đối tác chính danh của Pháp quốc và Hoa Kỳ quốc. Vậy thì ai thật sự đấu tranh cho quyền lợi của quốc gia dân tộc? Ai theo gót ngoại bang chống lại dân tộc và tổ quốc mình? Vấn đề  ai hợp pháp và ai bất hợp pháp? Câu trả lời quá rõ!

5- Nói rằng “cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955 tại miền Nam đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng” là không trung thực với lịch sử. Trong bối cảnh chính phủ Pháp đã “hết hơi” để theo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, tháng 7/1954, Hoa Kỳ áp lực bổ nhiệm Diệm làm Thủ Tướng thay Bửu Lộc là người của Pháp. Chưa đầy một năm sau Bảo Đại truất phế Diệm bằng một bức công thư gửi về từ Paris: “Ông được tôi chọn để điều hành một chính phủ đoàn kết dân tộc. Mặc dù đã có chỉ thị của tôi, ông đã góp phần gây phương hại đến quan hệ thân hữu với nước Pháp và đẩy nhân dân Việt Nam vào tình trạng nội chiến (giữa quân đội Diệm với các phe phái và những người kháng chiến – NV). Tham vọng của ông đã làm đổ máu nhân dân vô tội. Lẽ ra phải hành động như một nhà chính khách , ông đã đem lại tai họa cho đất nước. Vậy ông phải rời ngay Sài Gòn trong chuyến bay sắp tới, sang báo cáo với tôi về tình hình hiện tại” (Daniel Grand Clement: Bảo Đại hay Những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam).
Bây giờ thời thế khác rồi, sẽ không có việc Diệm chịu khuất phục ra đi như hơn 20 năm trước dưới thời thuộc Pháp. Bởi đã có chỗ dựa là người Mỹ vững hơn bàn thạch, ông ta có cách loại trừ đấng quân vương bằng một trò chơi chính trị cực kỳ tinh quái, là phát động những cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố Sài Gòn, đốt hình nộm Bảo Đại và kết thúc bằng một cuộc bàu cử “Phiếu xanh ta bỏ vô thùng – Phiếu đỏ Bảo Đại ta thời bỏ đi”. Tất nhiên là thắng lợi cực kỳ viên mãn thuộc về kẻ hạ thần với tỷ lệ áp đảo 98,2% / 1,1%! Hội đồng Hoàng tộc hưởng ứng tức thì họp nhau ở Huế, tuyên bố phế truất Bảo Đại khỏi cương vị Quốc trưởng và cấm ông không được lấy danh nghĩa hoàng gia và sử dụng tước hiệu Hoàng đế. Nền Đệ nhất cộng hòa Việt Nam khởi từ đây. Cũng từ đây, thành phố Sài Gòn mới được gọi là thủ đô của Việt Nam cộng hòa. Tuy nhiên cái gọi là quốc gia ấy cho đến lúc chết, nó chưa từng được ngồi tại Liên Hiệp Quốc! Tiếp đó, tháng 6/1956, Tân Quốc trưởng đòi quân Pháp đã hết thời rút ngay về nước, để người Mỹ độc quyền chi phối miền Nam Việt Nam. Với “thành tích” ấy, Ngô Đình Diệm ra sức mị dân, tuyên truyền rầm rĩ rằng: Tổng Thống cùng một lúc làm hai cuộc cách mạng “phản đế” và “phản phong” thắng lợi mà không tổn hao xương máu!
Thực ra, thời kháng chiến trước đó, 2/3 diện tích nông thôn nằm trong vùng Việt Minh kiểm soát, ruộng vườn đã được chia cho nông dân canh tác. Đường lối “cải cách điền địa” mà Ngô Đình Diệm đề ra đã phục hồi giai cấp địa chủ. Đến cuối trào Đệ nhất cộng hòa, 2% đại điền chủ sở hữu 45% tổng số ruộng vườn trong khi 73% tiểu nông chỉ nắm giữ 15%, còn khoảng phân nửa số người cày không có ruộng. Số đất thu được của thực dân chủ yếu là chia cho người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc vào. Đất của các giáo xứ Công giáo thì được miễn thuế và hạn mức. Nông dân phải trả lại đất cho địa chủ rồi phải thuê lại đất. Khế ước quy định mức tô tối đa là 25% nhưng trong thực tế thì mức nộp tô phổ biến là 40% hoa lợi (theo Wikipedia). Còn như việc đuổi được quân đế quốc cướp nước đi, là công của Việt Minh (Pháp gọi là VEM). Trước thực tế hiển nhiên ấy, Ngô Đình Diệm chỉ thị phải “giành lại chính nghĩa” từ tay đối phương. Để xóa đi ảnh hưởng quá lớn của Việt Minh trong lòng dân chúng, đám thuộc hạ bày ra cặp từ “Việt Cộng” và ra sức kích động sự đố kỵ, hằn thù.
Nguyễn Văn Thịnh (Sách hiếm)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X