Theo KQSĐP - Đồng chí Nguyễn Lương
Bằng sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh
Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương trong một gia đình
nghèo có truyền thống yêu nước. Năm 1925, sau khi sang Quảng Châu, Trung Quốc,
Nguyễn Lương Bằng được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động
cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp
huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
Ngay từ khi được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, giáo
dục và tham gia vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng
đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, suốt đời phấn đấu, học tập và thực
hành nêu gương đạo đức cách mạng, hết lòng phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Lịch sử còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng
hai tên gọi biểu tượng của Đồng chí: một biểu tượng cho ý chí kiên cường của
người cộng sản với bí danh “Sao Đỏ”, một “biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em” với
cái tên “Anh Cả”. Điều đó thể hiện sự tôn vinh và ngưỡng mộ của những nhà hoạt
động cách mạng nổi tiếng cùng thế hệ đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng; không
chỉ xuất phát từ những công lao mà bắt nguồn chính từ phẩm chất chất đạo đức
cao đẹp đã trở thành biểu tượng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: nói đi đôi với
làm, không ham danh vị, lợi quyền, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên
hết, trước hết. Tháng 8/1945, khi Ủy ban dân tộc giải phóng cải tổ thành Chính
phủ lâm thời, cùng với một số đại biểu của Việt Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng
đã tự nguyện rút lui để nhường chỗ trong Chính phủ lâm thời cho nhân sĩ khác,
hành động đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: “Đó là một một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi
ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử
chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.
Không chỉ là người suốt đời thực hành và là tấm gương
mẫu mực trong thực hành đạo đức cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một
trong những người đầu tiên đề xuất việc tích cực học tập, rèn luyện đạo đức
cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng
viên. Theo Đồng chí, học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là học tập, noi
gương những quan điểm của Người về “Đảng
viên phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân chứ không phải để ngồi trên đầu
trên cổ nhân dân, phục vụ cho mình, phục vụ cho gia đình mình. Đảng viên phải cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải thật sự phản đối quan liêu, lãng phí,
tham ô, cá nhân chủ nghĩa”. Đó là học tập quan điểm “Lối sống cách mạng là lối sống có lập trường
giai cấp, có quan điểm quần chúng, có kỷ luật tự giác và đạo đức cách mạng”;
quan điểm “Lối sống có quan hệ mật
thiết đến nhân phẩm và đạo đức của người đảng viên, đến ảnh hưởng và sức chiến
đấu của Đảng”; “Lối sống
cách mạng của người cán bộ, đảng viên có quan hệ mật thiết đến thanh danh, uy
tín, sức chiến đấu của Đảng, đến thành tích và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng”.
Đồng chí cho rằng, “có nhận thức
rõ như thế mới thấy cần phải rèn luyện lối sống cách mạng, phải kiên quyết chống
lại lối sống cá nhân chủ
nghĩa của giai cấp tư sản và các giai cấp không vô sản khác”.
Trên tinh thần đó, Đồng chí xác định, phải “Tiếp tục và phát huy gương sáng của người
trước, tiêu biểu và mẫu mực cho chúng ta ngày nay, đó là lối sống cách mạng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bởi theo Đồng chí, “Đời sống của Người, con người của Người, suốt
năm, sáu chục năm nay, thực là tấm gương sống về lối sống cách mạng cần cù, giản
dị, tiết kiệm, trong sạch và lành mạnh”.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, miền
Bắc chuyển sang giai đoạn khôi phục kinh tế, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội,
đồng chí Nguyễn Lương Bằng được tin cậy trao nhiều trọng trách để bảo đảm cho sự
minh bạch, trong sạch của Đảng, Nhà nước trên các cương vị Tổng Thanh tra Ban
Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong
nhiều năm. Sự tin cậy đó bắt nguồn từ người sáng lập Đảng - Chủ tịch Hồ Chí
Minh và trên thực tế, đồng chí Nguyễn Lương Bằng không chỉ là người học trò xuất
sắc, một cộng sự tin cậy mà còn là người gần gũi, thân thiết với Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Được Người dìu dắt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã không ngừng học
tập và rèn luyện được những phẩm chất cao đẹp của người đảng viên cộng sản.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào,
Đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất
nước, chăm lo đến hạnh phúc của Nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng:
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thực sự “là
biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em. Cuộc đời
hoạt động của đồng chí là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam, vừa
giàu tinh thần yêu nước, vừa giàu tinh thần quốc tế vô sản”.
Là một người yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ cộng sản
kiên cường, trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương
Bằng đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây
dựng xã hội chủ nghĩa. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm
gương sáng ngời về khí tiết cộng sản chủ nghĩa và đạo đức cách mạng. “Tấm gương của Đồng chí là giá trị tinh
thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên
ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của Đồng chí
là bất diệt”.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, đất
nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển
mạnh mẽ, toàn diện, “chưa bao giờ
có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy
nhiên, sự nghiệp cách mạng của dân tộc vẫn đang đứng trước không ít những khó
khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng,
phát huy chủ nghĩa yêu nước với một ý chí và quyết tâm cao, dám nghĩ dám làm,
dám đương đầu thử thách, thúc đẩy công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi. Chúng ta
có thể tìm thấy giá trị tinh thần tiên phong đó ở đồng chí Sao Đỏ - Nguyễn
Lương Bằng.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng
trong bối cảnh các cấp, các ngành đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng, thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết
luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên
suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ
Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính
trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta tri ân và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng
sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đó là không ngừng nâng cao đạo đức
cách mạng, phát huy vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, sẵn sàng vượt
qua mọi hy sinh, gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh
thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ mới trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
ĐỨC GIANG
