Là quốc đảo nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế
giới, nhưng lại thuộc khu vực cạnh tranh của các nước lớn, nên Xin-ga-po
luôn coi trọng phát triển năng lực quốc phòng. Do
chính sách đầu tư đúng hướng, những năm gần đây, Xin-ga-po đã xây dựng
được tiềm lực quốc phòng mạnh; trong đó, công nghiệp quốc phòng có bước phát triển nổi bật, được nhiều nước quan tâm, nghiên cứu.
>>Lãnh đạo Iran không tin phương Tây, chỉ hợp tác với Trung Quốc
>>Anh nối lại chương trình nâng cấp xe tăng Chanlenger II
>>Bí mật về viên thượng sĩ mang mật danh H3
>>IS tấn công trang web trường đại học Trung Quốc, kích động chiến tranh tôn giáo
>>Tia hy vọng cho hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan?
Xe tăng chủ lực Leopard của Lục quân Singapore (Ảnh: in-tơ-nét) |
Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế uy tín, Xin-ga-po là một trong
những quốc gia có chi tiêu quốc phòng hằng năm lớn nhất khu vực Đông
Nam Á. Chỉ tính riêng năm 2015, ngân sách quốc phòng của nước này (số
liệu đã công bố chính thức) đã lên tới 9,5 tỷ USD, tương đương với 3,3%
GDP và tăng 5,7% so với năm 2014. Vì thế, các chuyên gia phân tích quân
sự toàn cầu đã không quá khi cho rằng, Xin-ga-po là một trong những nước
có tốc độ phát triển về năng lực quốc phòng nhanh nhất khu vực và thế
giới. Từ một đội quân có quy mô tương đối nhỏ, trang bị kém hiện đại và
chủ yếu dựa vào nhập khẩu vũ khí từ bên ngoài, đến nay, Quân đội
Xin-ga-po đã có sự phát triển vượt bậc, với nhiều quân chủng, binh chủng
hiện đại. Thông qua cuộc cách mạng quân sự, Quân đội Xin-ga-po đã phát
triển đến “thế hệ thứ 3” với các mô hình tổ chức tiên tiến; xây dựng học
thuyết quân sự mới và tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị, nhằm
đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai, có sử dụng phổ biến vũ khí
công nghệ cao.
Để có được kết quả đó, Xin-ga-po đã trải qua nhiều bước đi, trải nghiệm
với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện của nước mình. Cũng
như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Xin-ga-po chủ trương thực hiện chiến
lược mua sắm thông minh, nhập khẩu các loại vũ khí, trang bị hiện đại
của các nước có trình độ công nghệ tiên tiến để khai thác, sử dụng, phục
vụ nhu cầu quốc phòng; đồng thời, tập trung đẩy mạnh năng lực công
nghiệp quốc phòng trong nước, từng bước làm chủ và chuyển giao công nghệ
sản xuất vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội và
xuất khẩu; trong đó, lấy phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng là
giải pháp cơ bản, lâu dài. Theo quan điểm của Xin-ga-po, để đáp ứng với
cuộc chiến tranh hiện đại, sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, quân
đội nước này dựa trên học thuyết tác chiến lấy mạng làm trung tâm, tập
trung tích hợp “hệ thống của các hệ thống” điều khiển để không ngừng
nâng cao hiệu quả tác chiến. Vì vậy, việc phát triển nền công nghiệp
quốc phòng của Xin-ga-po phải dựa trên cơ sở tích hợp các hiệu năng công
nghệ, bao gồm: tích hợp các kỹ thuật công nghệ cao và khả năng khai
thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại.
Theo phương hướng đó, trước hết, Xin-ga-po tập trung tích hợp và thực hiện mô hình liên kết để thiết lập các tập đoàn công nghiệp quốc phòng quy mô lớn,
nhằm nâng cao khả năng tồn tại và cạnh tranh quốc tế. Đây là bước đi
táo bạo của Xin-ga-po, nhằm tập trung nguồn tài chính (từ các doanh
nghiệp nhỏ) và khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, kém hiệu
quả của công nghiệp quốc phòng để hướng vào các chương trình công nghệ
mới, hiện đại. Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, Xin-ga-po đã
thiết lập được nhiều tập đoàn công nghiệp quốc phòng hùng hậu, như: ST
Engineeng, ST Kinetics, ST Aerospace,… tham gia sản xuất hàng quốc phòng
trên các lĩnh vực. Trong đó, ST Engineeng là một trong những tập đoàn
công nghiệp quốc phòng lớn hàng đầu châu Á, cung cấp hầu hết các loại
trang, thiết bị, vũ khí và dịch vụ quốc phòng cho Quân đội Xin-ga-po và
xuất khẩu. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI),
tập đoàn ST Engineering có quy mô hơn 22.000 công nhân, hơn 100 chi
nhánh và công ty liên doanh tại 23 quốc gia trên thế giới với tổng doanh
thu hằng năm ước đạt gần 6 tỷ USD. Năm 2012, tập đoàn này đã xuất khẩu
số vũ khí, trang bị ra nước ngoài trị giá 1,89 tỷ USD. Trước đó, năm
2008, ST Engineeng đã giành được hợp đồng sản xuất xe thiết giáp cho
Quân đội Anh trị giá khoảng 256 triệu USD.
Cùng với đẩy mạnh thiết lập các tập đoàn công nghiệp quốc phòng quy mô
lớn, Xin-ga-po coi trọng xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất công
nghiệp quốc phòng, nhằm thích ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là
yêu cầu đổi mới, tổ chức, trang bị và nghệ thuật tác chiến của lực
lượng vũ trang. Theo đó, Xin-ga-po tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực, không ngừng tăng cường năng lực nghiên cứu,
sản xuất hàng quốc phòng trên các lĩnh vực, nhằm đưa công nghiệp quốc
phòng của nước này ngang tầm khu vực và thế giới. Đối với sản xuất vũ khí, trang bị cho lục quân,
Xin-ga-po thực hiện phương châm giảm sản xuất vũ khí, trang bị thông
thường, nhưng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cải tiến nâng cao chất
lượng vũ khí, trang bị có hàm lượng công nghệ cao, vũ khí chính xác.
Những năm gần đây, Chính phủ Xin-ga-po đã ký hợp đồng với các tập đoàn
công nghiệp quốc phòng để phát triển các loại vũ khí, trang bị mới cho
lục quân, như xe bọc thép đa năng, pháo tự hành, v.v. Năm 2003, tập đoàn
ST Kinetics đã thử nghiệm thành công pháo tự hành 155 mm (loại SSPH1)
và đã đưa vào sản xuất hàng loạt. Theo các chuyên gia về vũ khí, SSHP1
là vũ khí có khả năng ngụy trang, cơ động và tấn công với độ chính xác
cao, thời gian chuẩn bị bắn 1 phút và có thể tự động nạp đạn. Năm 2006,
cũng tập đoàn này đã sản xuất, bàn giao cho Quân đội Xin-ga-po xe bọc
thép Bionix-II với nhiều tính năng tiên tiến, như: vỏ thép dày, hỏa lực
mạnh, sức cơ động cao trên nhiều địa hình và được trang bị hệ thống
thiết bị quản lý, kết nối dữ liệu với các xe khác. Đây là loại xe chiến
đấu được các chuyên gia quân sự đánh giá cao và được Xin-ga-po đưa vào
kế hoạch thay thế cho các phiên bản xe bọc thép M.113 hiện có trong biên
chế trang bị của quân đội nước này.
Về lĩnh vực đóng tàu biển, Xin-ga-po cũng vận dụng phương thức
ban đầu là mua sắm tàu thuyền hiện đại đi kèm điều khoản sản xuất, lắp
ráp trong nước theo hợp đồng ký kết với nhiều ưu đãi, nhằm khuyến khích
các hãng nước ngoài chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đóng tàu
trong nước, nhất là tàu chiến cỡ lớn, hiện đại. Hiện tại, các công ty
đóng tàu biển của Xin-ga-po có khả năng thiết kế, đóng tàu, chuyển giao
công nghệ và cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa theo đơn đặt hàng
của khách hàng trên thế giới với chất lượng cao. Trong đó, ST Marine
(của Xin-ga-po) là công ty duy nhất ngoài Tây Âu được hãng Bảo hiểm Chất
lượng Lyoyds nổi tiếng thế giới cấp chứng chỉ ISO 9001. Với phương châm
tăng cường nội lực trong nước kết hợp với liên kết hợp tác với các đối
tác có trình độ công nghệ tiên tiến, Xin-ga-po hiện có nhiều xưởng đóng
tàu uy tín trên thế giới, có đủ năng lực thiết kế, chế tạo các tàu
thương mại cỡ lớn, tàu chiến với công nghệ hiện đại, được trang bị hệ
thống vũ khí có ra-đa điều khiển, phát hiện mục tiêu và hệ thống tác
chiến điện tử ngang tầm thế giới. Từ năm 2007, Xin-ga-po công bố có đủ
trình độ kỹ thuật để đóng tàu tuần dương tàng hình (theo công nghệ của
Pháp) và hiện đã, đang thực hiện các hợp đồng đóng tàu loại này với các
đối tác ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Về lĩnh vực hàng không vũ trụ, Xin-ga-po tập trung đầu tư
nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ về công nghệ theo hướng: không chỉ bằng
mọi cách để tạo ra sản phẩm, mà phải phấn đấu tạo ra ưu thế về kỹ thuật
cho các sản phẩm cùng loại. Do có chính sách đầu tư đột phá, đúng hướng
trong lĩnh vực hàng không, nền công nghiệp quốc phòng của Xin-ga-po có
thể thực hành bảo dưỡng, cải tiến, nâng cấp nhiều loại máy bay, từ
Airbus, Boeing và các loại máy bay huấn luyện, như: Airbus A320, A330,
A340; Boeing 737, 767, v.v. Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp quốc phòng
của nước này còn cung cấp các trang, thiết bị phục vụ huấn luyện phi
công, thợ máy cho ngành hàng không dân dụng, quân sự và các dịch vụ về
giải trí hàng không.
Về lĩnh vực điện tử, Xin-ga-po chú trọng nghiên cứu, ứng dụng
các thành tựu về khoa học, công nghệ thông tin vào phát triển vũ khí,
trang bị, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến lấy mạng làm trung tâm của nước
này. Trước mắt, Xin-ga-po đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các thiết bị
điện tử phục vụ cho chỉ huy và thông tin liên lạc; đồng thời, tăng cường
hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiêu chuẩn hóa vũ khí
và trang bị kỹ thuật quân sự. Năm 2009, Xin-ga-po đã hợp tác với Pháp
thực hiện thành công chương trình nâng cấp các thiết bị tự động dò, phá
mìn trên tàu tuần tiễu chống mìn Bedok, mở ra khả năng lớn về phát triển
lĩnh vực điện tử của công nghiệp quốc phòng.
Đi đôi với phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước, Xin-ga-po chú
trọng mua sắm các loại vũ khí, trang bị có hàm lượng công nghệ cao từ
nước ngoài, theo yêu cầu hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quốc
phòng, đáp ứng với cuộc chiến tranh hiện đại, sử dụng phổ biến vũ khí
công nghệ cao. Những năm qua, việc mua sắm vũ khí, trang bị của
Xin-ga-po chủ yếu tập trung vào những chủng loại đặc thù, thiết yếu mà
trong nước chưa sản xuất được, như: xe tăng chiến đấu Leopard 2A4SG của
Đức, máy bay chiến đấu F-15 SG, F-16 C/D, máy bay cảnh báo sớm của Mỹ và
các loại tàu tuần tiễu của Thụy Điển, v.v. Trong quá trình thực hiện,
Xin-ga-po ưu tiên đối tác đồng ý các điều khoản hợp tác với nước này về
chuyển giao công nghệ sản xuất, cũng như tổ chức sản xuất, lắp ráp và
bảo dưỡng tại Xin-ga-po. Mục đích của Xin-ga-po là, thông qua các hợp
đồng mua bán, không chỉ nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang, mà còn tạo
không gian hợp tác để tích hợp, từng bước hình thành các trung tâm sản
xuất và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại cho nước này
và các nước trong khu vực, không ngừng nâng cao năng lực công nghiệp
quốc phòng. Trên nền tảng đó, Xin-ga-po sẽ hướng tới các lĩnh vực liên
quan đến một cuộc chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao trong tương lai, như:
vấn đề chỉ huy chiến đấu, kiểm soát biển, tác chiến mạng, tiến công có
chiều sâu, v.v. Đây cũng là một trong những xu hướng chi phối phát
triển công nghiệp quốc phòng của Xin-ga-po, được các nước hết sức quan
tâm.
Theo Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Trung tá LÊ VĂN HIỂN (tapchiqptd.vn)
