Tháng 3 này đánh dấu 10 năm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ra đời (thay cho Ủy ban Nhân quyền trước đây). Là cơ quan có tiếng nói quan trọng nhất trong hệ thống các thể chế của Liên hợp quốc về quyền con người, Hội đồng Nhân quyền góp phần thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ trên phạm vi toàn cầu các quyền con người và tự do cơ bản một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Tới nay cũng đánh dấu hơn 2 năm Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2014-2016.  

Việc Việt Nam được các nước tín nhiệm, bầu trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao cũng như những gì chúng ta thể hiện trong hơn 2 năm là thành viên tại cơ quan cao nhất toàn cầu về nhân quyền khiến những thế lực chống đối càng tỏ ra “khó chịu”, luôn tìm cách cản trở, vu cáo, gây áp lực kêu gọi tẩy chay khỏi Hội đồng Nhân quyền. 

Cùng với việc liệt kê danh sách những người mà theo họ đang bị Việt Nam “đàn áp nhân quyền” (thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt, xử lý), họ tìm cách hạ thấp uy thế, vị trí của Việt Nam bằng những bài viết kích bác như “phận nước nhỏ, yếu thế” chỉ ngồi “cho đủ mâm”, tâm lý “yếu bóng vía” khó có tiếng nói, hành động nào hữu ích; hay phát biểu của Việt Nam “bị bỏ ngoài tai”… 



Khi Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền đã xuất hiện những diễn đàn, hội thảo kêu gọi tẩy chay như hội thảo mang tên “trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền” do một số phần tử hải ngoại đứng ra tổ chức. 

Năm ngoái, nhóm “Vietnam Human Rights Action Group” (nhóm hành động nhân quyền Việt Nam) được ký tên bởi những nhân vật chống phá ở hải ngoại lập diễn đàn trên mạng, ra “thỉnh nguyện thư” kêu gọi chữ ký của các thành viên nhằm gây áp lực tố cáo Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền, đề nghị đưa Việt Nam ra khỏi Hội đồng vì “không đủ tư cách thành viên”. 

Với cái gọi là “Chiến dịch Nhân quyền 2015”, họ kêu gọi thu thập được 100 nghìn chữ ký để khởi phát việc vận động các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước can thiệp vào vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Một số bài viết đăng trên diễn đàn tùy tiện liệt kê cái gọi là “dẫn chứng đàn áp nhân quyền”, kêu gọi cộng đồng mạng tham gia ký tên càng nhiều càng tốt. 

Tuy nhiên, sau nhiều tháng phát động, bản danh sách tỏ ra yếu ớt với những cái tên quen mặt, trong khi nhiều người không ký cũng bất ngờ thấy tên (nhiều người bức xúc vì qua tìm hiểu, họ được biết đã bị kẻ khác tự ý điền tên mình vào). Trong khi đó, những “diễn viên” của tổ chức khủng bố, phản động Việt Tân liên tiếp kêu gào và rình rập mỗi khi Hội đồng Nhân quyền họp lại cho gửi thư hay “thỉnh nguyện thư” tố cáo… 

Thực tế, tới nay, gần 2/3 chặng đường làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, những gì Việt Nam đã thể hiện được kiểm chứng và đánh giá khách quan của Hội đồng và những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm. Việt Nam đã thực sự chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, cùng các nước thành viên khác xử lý các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. 

Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố tham gia lần đầu và vị thế của Việt Nam ở Hội đồng Nhân quyền, những ý kiến, đóng góp của Việt Nam được các nước quan tâm ra sao? 
Đi sâu tìm hiểu quy chế, quy trình làm việc của Hội đồng, chúng tôi thấy rằng, Hội đồng Nhân quyền cũng chính là nơi diễn ra các cuộc thảo luận căng thẳng giữa các nước, nhóm nước liên quan đến hàng loạt các vấn đề nhức nhối, đó là việc bảo đảm quyền con người trước sự gia tăng của các cuộc xung đột, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư, dịch bệnh Ebola, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... 

Dù Hội đồng Nhân quyền đang phát huy khá tốt hiệu quả trong xử lý các vấn đề này nhưng thực tế vẫn nổi lên xu hướng chính trị hóa, gây sức ép trong quá trình thảo luận. Nhiều nước quá tập trung vào các nội dung dân sự, chính trị, coi nhẹ nội dung kinh tế, phát triển, do đó ảnh hưởng đến tính toàn diện của chương trình nghị sự… Với bối cảnh như vậy, các thành viên Hội đồng không chỉ có nỗ lực, trách nhiệm mà phải giữ được bản lĩnh, quan điểm, lập trường của mình, không bị “lung lay” trước các sức ép đến từ nhiều phía.  

Đương nhiên, trong nhiều trường hợp, tiếng nói của nước lớn, thành viên “ghế lớn” thường có trọng lượng, sức nặng bởi trong tính chất hoạt động của tổ chức cấp Liên hợp quốc không tránh khỏi yếu tố lớn - bé, mới - cũ có tính tiền lệ. Do đó, tham gia tổ chức của Liên hợp quốc, vấn đề quan trọng là chúng ta nói gì, nói như thế nào để được người khác, nước khác nghe và tán thành, chấp nhận. 

Hơn 2 năm qua, chúng ta tạo dựng được quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với tất cả 46 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và nhiều nước quan sát viên ở cả 5 khu vực. 
Trên nhiều vấn đề, Việt Nam được xem là một trong những cầu nối, là “tác nhân xúc tác” cho việc thu hẹp bất đồng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cân bằng tại Hội đồng Nhân quyền. Đây là vấn đề rất quan trọng bởi như chúng ta biết, quan điểm, ý kiến của các thành viên trong Hội đồng xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau mà sự khác biệt vẫn còn lớn, trong đó có những vấn đề diễn ra gay gắt, căng thẳng. 

Trong bối cảnh đó, việc có những thành viên giữ vai trò cầu nối làm thu hẹp bất đồng, căng thẳng là rất quan trọng và Việt Nam đã thể hiện được vai trò đó, như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: “Đoàn Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để đảm bảo tính khả thi của các nghị quyết, kịp thời giải đáp những đòi hỏi về bảo đảm quyền con người trên thế giới. Chúng ta luôn kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các nước thành viên, và trong một số trường hợp cũng giúp thu được kết quả”.

Cần thấy rằng, nhân quyền là khát vọng nhân loại nhưng nó cũng là “đòn hiểm” mà nhiều phía sử dụng để thực hiện ý đồ chính trị của mình. Việc thành lập Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc hướng tới mục đích bảo vệ quyền con người nhưng cũng không thể kỳ vọng trị số tuyệt đối để giải quyết mọi vấn đề nhân quyền toàn cầu. Do đó, thay cho việc chỉ săm soi, chỉ trích, dựng chuyện vu cáo, hãy nhìn nhận vấn đề một cách đầy đủ từ chính những đóng góp của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Theo Đăng Minh (báo Công an Nhân dân)