Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, June 09, 2016 , 0 bình luận

Báo cáo phúc trình nhân quyền toàn cầu 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ và gần đây là thông báo của Người phát ngôn Cao ủy Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, chứa đựng những thông tin không đúng sự thật, thiếu khách quan.

Phản bác những thông tin sai lệch của Bộ Ngoại giao Mỹ, khi cho rằng “Việt Nam không có tiến bộ về nhân quyền; Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân…”, ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền của người dân trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”. Trước thông báo ngày 13-5-2016 của ông Rupert Colville - Người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, người đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc đã nhấn mạnh: những thông tin đó “là không chính xác, thiếu khách quan, không được kiểm chứng”.
Cần phải nhắc lại rằng, việc thực hiện quyền con người trong mỗi quốc gia bao giờ cũng đòi hỏi phải gắn liền với trách nhiệm công dân, nên luôn phải chịu một sự giới hạn nhất định để bảo vệ quyền con người của những người khác và bảo đảm an ninh quốc gia. Điều 30 của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người đã xác định rõ: “Quyền con người của những người khác cần được tôn trọng chứ không chỉ khoan dung. Quyền con người không được sử dụng để vi phạm quyền của người khác”. Điều đáng nói là, những người cổ súy cho những tuyên bố về nhân quyền chống Việt Nam lâu nay chỉ nhấn mạnh các khoản về “quyền” mà cố tình lờ đi các khoản đính kèm về “nghĩa vụ” phải tuân thủ các giới hạn nhất định khi thụ hưởng các quyền đó.
Điều 18, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói về quyền tự do tôn giáo đã xác định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Còn về quyền tự do ngôn luận, Điều 19, khoản 3 của Công ước này cũng nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức của công chúng”. Vì thế, mọi quốc gia có chủ quyền trên thế giới đều thực hiện những biện pháp chống lại hành vi lạm dụng quyền tự do cá nhân để vi phạm pháp luật, đe dọa lợi ích cộng đồng. Ngay ở Pháp, những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2016, cảnh sát dùng hơi cay chống lại những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối Dự luật cải cách lao động, bắt giữ 124 người tại các thành phố Nantes, Lyon, Marseille và Toulouse cũng được coi là một hành động cần thiết nhằm bảo đảm an ninh, trật tự của nước này.
Vậy là, cùng một hành động bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, nhưng chính quyền Việt Nam thực thi thì họ lên án, còn Chính phủ Pháp thực hiện thì họ làm thinh. Phải chăng, họ đang sử dụng “tiêu chuẩn kép” về vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam? Cần phải chỉ rõ rằng, các cuộc tụ tập đông người nhân vụ cá chết ở miền Trung Việt Nam vừa qua đã được các phần tử chống đối, bao gồm cả nhóm khủng bố Việt Tân, lợi dụng để gây rối và kích động bạo loạn lật đổ chính quyền. Họ đã liên kết với các đối tượng trong và ngoài nước để xúi giục người dân biểu tình, lôi kéo cả những người có tiền án, tiền sự; chuẩn bị hậu cần, hung khí, hướng dẫn chế tạo bom xăng; dùng tiền thuê người tham gia; sử dụng mạng xã hội để kích động hành vi chống đối, thậm chí chống lại các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự trị an, v.v. Vì vậy, đúng như Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã khẳng định: những biện pháp cần thiết mà các lực lượng chức năng của Việt Nam tiến hành “là phù hợp với luật pháp Việt Nam và chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo trật tự giao thông, an ninh, an toàn cho người dân, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em. Những hành vi kích động bạo lực, bài ngoại, gây rối trật tự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cần phải ngăn chặn trong khuôn khổ luật pháp, vì lợi ích chung của cộng đồng”. Trước sự cố môi trường nói trên, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cũng như các địa phương Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết, như: hỗ trợ gạo, tiền, giảm lãi suất cho vay, giãn nợ để các ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp vượt qua khó khăn. Việc thành lập các cửa hàng bán cá an toàn đã giúp ổn định trở lại thị trường hải sản, động viên ngư dân ra khơi. Với sự hỗ trợ từ những đối tác, nhà khoa học quốc tế, Việt Nam đang khẩn trương tìm nguyên nhân của sự cố và thường xuyên cập nhật tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn tuyên bố không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ra thảm họa môi trường này. Chẳng lẽ ông Rupert Colville không biết hay cố tình bỏ qua những cố gắng đó của Việt Nam, khi lớn tiếng yêu cầu Việt Nam “phải bảo đảm lợi ích cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi nạn cá chết”?
Cũng cần thấy rằng, những nỗ lực của Việt Nam trong thực thi quyền con người thời gian qua là những tiến bộ to lớn. Nổi bật là bản Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn Chương II, với 36 điều để hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; trong đó, hiến định đầy đủ các quyền và tự do của con người về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Nhà nước Việt Nam cũng đang tích cực triển khai 82 dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi hoặc xây dựng mới để bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Căn cước công dân, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Báo chí,… vừa qua đều theo hướng bảo đảm đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, Chính phủ Việt Nam đã cụ thể hóa những quy định của luật pháp bằng việc thực thi nhiều chủ trương, chính sách hướng vào cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, như: triển khai thực hiện 41 chiến lược và chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội với ưu tiên dành cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hoàn thành sớm nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nhất là thành tựu xóa đói giảm nghèo (với tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% năm 1993 xuống còn 4,5% năm 2015) được quốc tế ca ngợi, cũng là vì con người. Trong bối cảnh chịu sự tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia (kể cả những nước phát triển) cắt giảm đáng kể phúc lợi xã hội, nhưng ở Việt Nam không một chương trình an sinh xã hội nào bị cắt giảm; ngược lại, trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ vẫn dành 364.000 tỷ đồng để xóa đói giảm nghèo; 136 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Tháng 9-2015, Chính phủ đã ban hành Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng với mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học tùy đối tượng là những người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo hay thuộc hộ cận nghèo, v.v. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; trong đó, tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người. Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm lo đến cuộc sống của người dân không chỉ dừng lại ở chủ trương mà được thể hiện ra bằng hành động thực tế. Chả thế mà bà Vích-to-ri-a Qua-qua, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (nay là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới) đã phát biểu rằng: “Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện nay (của Việt Nam) cao hơn phần lớn các nước có cùng mức thu nhập, và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn”.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu không thể phủ nhận trong thực hiện quyền tự do báo chí và tự do tôn giáo. Báo chí ở Việt Nam không bị kiểm duyệt và có vai trò rất quan trọng trong phản biện các chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền, nhất là trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Luật Báo chí (sửa đổi) được kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 4-2016 đã dành hẳn Chương II với 04 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền: sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó. Đối tượng được thành lập tạp chí khoa học cũng được mở rộng hơn so với trước, bao gồm cả các cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục có đầu tư nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, số lượng các cơ quan báo chí cũng tăng thêm 71 cơ quan trong giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, cả nước có 857 cơ quan báo chí, với trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Báo chí điện tử cũng tăng thêm 44 cơ quan. Đến nay, cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử, 248 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép. Người dân Việt Nam được tiếp cận 183 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá, 75 kênh truyền hình trả tiền; trong đó, có nhiều kênh truyền hình nước ngoài. Tỷ lệ người dân người sử dụng in-tơ-nét cũng đạt mức 52% dân số, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á (38,8%) và của thế giới (45%), đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 6 tại châu Á. Liên quan đến vấn đề này, cần khẳng định rằng: Nghị định 72/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01-7-2013 mà những người không có thiện chí thường dẫn ra làm bằng chứng để chống Việt Nam) của Chính phủ cũng nhằm để bảo đảm cho người dân được tự do, an toàn hơn khi sử dụng in-tơ-nét. Đó là việc làm phù hợp với xu thế chung mà chính phủ nước nào cũng thực hiện. Chẳng hạn, năm 2014, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban hành Luật kiểm soát in-tơ-nét, mà Thủ tướng nước này cho rằng: “Luật kiểm soát in-tơ-nét là bảo đảm an toàn cho chính người dân, giúp cho môi trường in-tơ-nét an toàn hơn, tự do hơn”. Cuối năm 2014, Thủ tướng Pray-út cũng ủng hộ quyết định của Bộ Truyền thông và Thông tin Thái Lan khi ra lệnh cấm trang mạng của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), vì theo ông: “Nếu tự do có nghĩa là tất cả mọi người cùng được quyền viết bậy bạ và thóa mạ người khác, thì Thái-lan sẽ không tồn tại được”.
Về vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo, thì hiện nay ở Việt Nam có đến 95% người dân có đời sống tín ngưỡng. Số tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy chứng nhận hoạt động đã tăng từ 6 tôn giáo và 15 tổ chức tôn giáo vào năm 2006 lên tương ứng là 14 và 38 vào năm 2015. Số tín đồ các tôn giáo cũng tăng từ 15% lên gần 30% số dân cả nước. Hiện nay, cả nước có 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc; 46 cơ sở học viện, viện, trường đào tạo chức sắc với gần 8.000 học viên; 25.000 cơ sở thờ tự; 12 tờ báo, tạp chí và hàng trăm website. Các hoạt động tôn giáo đều được thực hiện tự do theo đúng hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo.
Thực tế nói trên cho thấy những thông tin trong Báo cáo phúc trình nhân quyền hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ và lời phát ngôn của ông Rupert Colville về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là vô giá trị .
NGUYỄN NGỌC (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X