Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, June 13, 2016 , 0 bình luận

(chiasekienthucnet)-Việt Tân vẫn luận điệu cũ theo lối xuyên tạc “gió đến đâu xoay đến đó" nên không dễ dàng gì để người đọc có thể nhận ra cái “kiểu vu sạch trơn” và quy chụp đổ lỗi cho Đảng, cho chế độ, cho chính quyền và cho tất cả mọi thứ cho dù đó là một sự thật hiển nhiên. Kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vừa qua mặc dù có sự giám sát của cơ quan báo chí trong nước và quốc tế cũng như thực tế cuộc bầu cử mà cử tri cả nước là người thực tiễn bỏ lá phiếu quyết định nhưng vẫn bị Việt Tân xuyên tạc, kiếm cớ và cố tình suy diễn.
Trong thời gian gần đây, trang facebook Việt Tân tiếp tục đăng tải những bài viết, video, hình ảnh đi cùng với bài hát “ Trả lại cho dân” với nội dung cơ bản “…trả lại đây cho nhân dân tôi quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn, được nghe, được nói, quyền được chọn chân lý tự do, quyền xóa bỏ độc tài, độc tôn...” với mục tiêu trước mắt là tạo động lực đẩy mạnh các hoạt động công khai phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử vừa diễn ra.
Trịnh Hội-con rối trong tay Việt Tân luôn diễn trò trong xã hội


Các tác giả có tư tưởng chống phá Đảng, chính quyền trình bày rằng chính quyền Việt Nam đã và đang làm việc một cách vô trách nhiệm, vô cảm với những khó khăn của nhân dân, ngăn chặn sự viện trợ từ phía nước ngoài để cố thể hiện vai trò độc tôn của Đảng, vì những món lợi tham nhũng và hưởng lợi ích nhóm. Từ đó kêu gọi không bỏ phiểu hoặc gạch bỏ những đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính quyền. Đồng thời cổ súy phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân ở địa phương mình sinh sống, tạo ra đối trọng với các đại biểu là đảng viên. Khi những người ra ứng cử không đủ tiêu chuẩn, trên trang mạng Việt Tân lại nêu lên luận điệu những người tự ứng cử bị tẩy chay, kỳ thị, phân biệt đối xử, bẫy để không đủ tiêu chuẩn, không kịp thời hạn đăng ký. Đồng thời với đó, trong suốt quá trình bầu cử, trang Facebook Việt Tân thường xuyên đăng các đoạn video người dân không bỏ phiếu, quá khích chống chính quyền với luận điệu xuyên tạc rằng Đảng biến “quyền lợi” thành “nghĩa vụ bầu cử theo đúng định hướng”. Trên cơ sở đó tạo làn sóng dư luận phủ nhận tính trung thực, khách quan của kết quả bỏ phiếu.
Thấy được đây là một thủ đoạn rất nguy hiểm của thế lực phản động. Chúng lợi dụng vào tự do ngôn luận, lợi dụng vào khả năng thẩm thấu và sức lan tỏa vô cùng lớn của âm nhạc để hình thành nên nhận thức sai trong người đọc, người nghe. Từ đó tạo tâm lý đồng thuận với “thân phận bị áp bức”, gieo mầm tư tưởng chống Đảng, chống Nhà nước. Để có thể tỉnh táo, khách quan nhận thức đúng - sai, ta cần phải nắm được đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng ta cũng như có góc nhìn chính xác về tình hình thực tế đất nước.
Trước hết, phải khẳng định tôn chỉ hoạt động nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là vì con người và cho con người. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn, cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ của dân”. Như vậy, chế độ dân chủ thực chất là chế độ ủy quyền của nhân dân vào Nhà nước và Nhà nước là cơ quan quyền lực của dân, thực thi sự ủy quyền của dân. Xuyên suốt các đường lối, chủ trương của Đảng ta đều hướng đến người dân, chăm lo cho nhân dân. Được thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Như chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của Đảng, của Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngoài ra, trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc… Từ đó có thể khẳng định việc áp đặt, thiếu công bằng, phân biệt tôn giáo, bóc lột nhân dân mà các tác giả bài hát, phóng sự kích động trên trang Việt Tân đưa ra là hoàn toàn bịa đặt, trái ngược chủ trương, đường lối mà Đảng ta xác định.
Và thực tiễn cuộc bầu cử vừa diễn ra, ta thấy được giữa sự thực và những phân tích “uốn cong” bởi mục đích chính trị mà chúng đưa ra khác biệt hoàn toàn:
Một là, “Việc bầu cử có sự phân biệt đối xử và không minh bạch với các ứng cử viên tự ứng cử” - đây là luận điệu “đánh bùn sang ao”. Trong tổng số 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 197 người do Trung ương giới thiệu, 673 người do địa phương giới thiệu. Cơ cấu chung của cả nước như sau: Nữ: 339 người (38,97%); người dân tộc thiểu số: 204 người (23,45%); người ngoài Đảng: 97 người (11,15%). Đối với mọi ứng cử viên phải đều được thông qua 3 vòng hiệp thương, các cuộc vận động bầu cử và Hội nghị lấy tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội. Nếu ứng cử viên nào không đạt được các tiêu chí được công bố công khai thì bị loại là hoàn toàn công bằng và đúng với pháp luật. “Tất cả những người được giới thiệu ra ứng cử cũng như người tự ứng cử phải được xem xét chặt chẽ, kĩ càng căn cứ theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là phải bình đẳng như nhau. Nhưng trên thực tế, những người được giới thiệu ra ứng cử phải trải qua quy trình chặt chẽ nhiều khâu, có khi cả hàng trăm người mới chọn được ra 1 người. Trong khi đó người tự ứng cử chưa được sàng lọc với cơ quan tổ chức nào, vì thế thì khi đưa vào hiệp thương cần xem xét thật kĩ” (Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp). Chính vì những người tự ứng cử chưa được sàng lọc qua cơ quan, tổ chức, cho nên nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn thì buộc phải loại là hoàn toàn hợp lý, khách quan và đồng thời khẳng định không có việc “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.
Hai là, “Người dân đi bầu phải đúng định hướng của Đảng” - đây là sự xuyên tạc sai thực tế. Việc tổ chức bầu cử đúng theo Hiến pháp năm 2013 đã hiến định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lãnh đạo bằng đường lối chứ không làm thay hay áp đặt. Ngày 22-5, hơn 69 triệu cử tri tại 91.476 tổ bầu cử trong cả nước đã đồng loạt đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thực tế đã cho thấy, cử tri lựa chọn ứng viên nào là ý muốn của mỗi người, Đảng hoàn toàn không áp đặt cử tri phải bỏ phiếu cho bất kỳ ai, nhất là không có chuyện áp đặt cử tri phải bỏ phiếu cho các ứng cử viên là đảng viên. Danh sách các ứng cử viên đã được niêm yết công khai, rộng rãi trước ngày bầu cử. Cử tri khi bỏ phiếu đã nắm được lý lịch, tiểu sử, lời hứa trong chương trình hành động của từng ứng cử viên. Cử tri tiến hành bỏ phiếu kín, không ai được quyền theo dõi nội dung lá phiếu trong quá trình bỏ phiếu. Đối với những cử tri không thể đến điểm bỏ phiếu, các địa phương đã có các biện pháp đến tận nơi để đảm bảo quyền bỏ phiếu của cử tri. Như vậy, các cử tri đều được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy quyền bầu cử của mình và lựa chọn đại biểu theo đúng mong muốn bản thân.
Ba là, “Kết quả bỏ phiếu không phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân” - điều này là sự phóng đại sai sót cá biệt. Thực tế có xảy ra việc không bỏ phiếu, bầu hộ, bầu thay tuy nhiên việc này diễn ra không nhiều, chiếm tỷ lệ nhỏ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã khẳng định: “Việc này là sai, nhưng những cái sai này do thiếu hiểu biết, không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử”. Quá trình kiểm phiếu được tiến hành minh bạch, đầy đủ các thành phần, không có hiện tượng gian lận. Vào lúc 15h ngày 9/6, Hội đồng bầu cử Quốc gia họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Trong danh sách trúng cử có 496 người trong 870 ứng cử viên trúng cử. Tất cả 19 ủy viên Bộ Chính trị, 17 thành viên Chính phủ ứng cử đã trúng và có 2 người tự ứng cử, 21 người ngoài Đảng, 317 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu trúng cử. Như vậy, có thể khẳng định kết quả bầu cử đã phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân cũng như tính khách quan, minh bạch của quá trình bầu cử đã diễn ra.
Dựa trên đường lối lãnh đạo của Đảng ta từ khi thành lập tới nay và thực tiễn qua kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, khẳng định Đảng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhân dân nhưng luôn vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc và âm mưu phá hoại của các thế lực phản động đối với kết quả cuộc bầu cử. Có như vậy, mới phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

NKT (chiasekienthucnet)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X