Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, September 08, 2016 , 0 bình luận

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, dự thảo luật về Hội vẫn chưa đưa ra được khái niệm rõ ràng thế nào là Hội. Việc dự thảo không dám khẳng định Hội là tổ chức phi chính phủ (NGO) dẫn đến cách hiểu mù mờ về khái niệm này.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Cán bộ nhà nước tham gia Hội có thể dẫn đến "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, xuất phát từ khái niệm mập mờ như vậy, nên việc cho cán bộ, công chức tham gia Hội cũng không được quy định trong luật, làm cho tình trạng quản lý cán bộ, công chức thêm lộn xộn.
“Cán bộ công chức là người của Chính phủ lại tham gia các NGO, tôi rất không đồng tình quan điểm này. Ví dụ một đồng chí Cục trưởng của Bộ Y tế lại làm Chủ tịch Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, như thế có nên không? Nếu cán bộ, công chức được thủ trưởng cho phép tham gia các Hội thì cho phép trên cơ sở nào?”, ông Cương đặt vấn đề.
Theo ông Cương việc cán bộ, công chức tham gia các Hội sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính công chức đó, đặc biệt là các Hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của cán bộ công chức, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Không quản lý theo kiểu triệt tiêu quyền lập Hội - ảnh 1
TS Hoàng Ngọc Giao ẢNH TRƯỜNG SƠN
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần đặt tên thành luật về thành lập và tổ chức hoạt động các NGO ở Việt Nam. Theo bà Khánh, dường như có sự e ngại nào đó đối với khái niệm này do đặc thù thể chế chính trị của Việt Nam.
“Tôi không biết tại sao chúng ta lại sợ, trong khi nước ngoài họ vẫn gọi các tổ chức xã hội ngoài nhà nước là các NGO. Tại sao chúng ta hội nhập mà sợ khái niệm đó?”, bà Khánh đặt câu hỏi. Đại biểu này đề nghị cần có sự phân biệt rõ ràng, không “tù mù” như hiện nay.
Theo đó, để minh bạch, dự luật nên kế thừa các quy định hiện hành với việc nêu rõ các loại hình Hội như: tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức và các quỹ từ thiện, các NGO nước ngoài... Đại biểu Khánh dẫn lại trường hợp GS Ngô Bảo Châu sau khi đoạt giải thưởng Fields (2010) đã có đơn về việc thành lập Quỹ khuyến học, nhưng đến nay sau 6 năm, vẫn chưa được Bộ Nội vụ trả lời về vấn đề này.
Quan tâm hơn đến góc độ quyền lập Hội, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển thẳng thắn đặt câu hỏi: “Chúng ta làm ra luật về Hội để làm gì? Để đảm bảo quyền lập Hội cho người dân hay làm luật để quản lý, kiểm soát Hội? Hay cả hai?”.
Theo tiến sĩ Giao, luật bao trùm cả hai vấn đề, không xem nhẹ vai trò quản lý của Nhà nước, nhưng quản lý ở mức độ tạo điều kiện thực hiện quyền lập Hội, chứ không nên quản lý theo hướng triệt tiêu, kiểm soát quyền lập Hội.
Tại hội nghị, ông Hoàng Ngọc Giao cũng chỉ ra vấn đề lớn nhất của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng, Nhà nước thành lập hiện này là hoạt động theo xu hướng hành chính hoá, kém hiệu quả và rất hình thức.
Khiếm khuyết thứ hai của nhóm tổ chức này là tiêu xài ngân sách Nhà nước nhưng không minh bạch, khó kiểm soát. Theo ông Giao, kinh phí dành cho khối này, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách kinh tế (VEPR), lên tới 14.000 tỉ đồng năm 2016. Còn nếu tính cả tài sản của các tổ chức này dùng để khai thác khách sạn, du lịch cho thuê, thì tổng giá trị tài sản là 68.000 tỉ đồng, tương đương 1,7% GDP, chưa nói đến nguồn nhân lực, cán bộ…
“Đây là vấn đề lớn. Đảng đã có các nghị quyết, chủ trương về việc giữ ổn định biên chế các tổ chức này đến hết 2016. Từ 2017 khoán hoặc hỗ trợ thực hiện kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao. Nên có quy định rõ về nguyên tắc sử dụng ngân sách, trách nhiệm giải trình đối với các tổ chức này, để làm căn cứ đảm bảo giải quyết vấn đề Đảng, Nhà nước đang đặt ra”, ông Giao đề nghị.
Trường Sơn (Báo Thanh niên điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X