Núp bóng

Từ đầu tháng 2-2016, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện một số trang viết, bài viết kiểu này. Trên mạng xã hội facebook gần đây xuất hiện một trang tự nhận là “Trang tin chính thức về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam 2016. Nơi cung cấp các thông tin hữu ích về ứng cử, bầu cử dành cho các ứng viên tự do và cử tri”. Tuy nhiên, trang này không nêu rõ thuộc về một tổ chức hay cá nhân nào, hoạt động vì mục đích gì. Đặc biệt, nội dung của trang gần như trái ngược với tuyên bố của nó là “cung cấp thông tin hữu ích về ứng cử và bầu cử” mà chỉ đăng tải rất nhiều bài viết chứa đựng nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Trang này xuyên tạc bầu cử đại biểu Quốc hội. Họ kích động: “Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội 2016 lần này, đứng trên mặt Đảng mà xét, sẽ chẳng có thay đổi gì, vì cơ chế là do Đảng đề ra, luật là do Đảng đề ra, nhân sự, quần chúng cũng là do Đảng chỉ định, thuê mướn để diễn trò”. Họ cho rằng, đây là dịp duy nhất trong vòng 5 năm tới để “tham gia vào nền chính trị của Đảng, không phải để hy vọng sẽ thay thế được Đảng, mà đơn giản là để vạch trần “màn kịch dân chủ của Đảng”. Họ bày tỏ rõ ý định phá hoại cuộc bầu cử: "Hãy tranh cử để ít nhất là làm cho Đảng phải mệt hơn, tốn tiền đối phó”(!).

Trên trang của cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” còn trơ trẽn phát động cái gọi là "thảo luận đầu xuân" về tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đưa ra tuyên bố yêu cầu “xóa cơ chế Đảng cử, dân bầu”. Họ hô hào phải sớm thực hiện vận động tranh cử qua mạng.

Cùng với trang thông tin “chuyên đề” này, còn có không ít trang khác trước đây tập trung chống phá Đại hội lần thứ XII của Đảng, nay chuyển sang tập trung vào chủ đề phá hoại bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó, có không ít trang của một số người tự xưng là “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội”.

Từ những trang trên, như một phản ứng dây chuyền có kịch bản từ trước, không ít trang mạng của những tổ chức phản động ở nước ngoài và đài, báo hải ngoại lập tức “té nước theo mưa”, thường xuyên đăng tải những bài viết có nội dung sai lệch về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, khuếch trương hình ảnh và chương trình “cương lĩnh tranh cử” của một số người tự ứng cử. Điều bất thường ở chỗ, tính đến nay, đã có hơn 50 người tự ứng cử nhưng trên các trang mạng này, họ chỉ đưa thông tin về những nhân vật là các “nhà dân chủ”, các gương mặt chống đối chính quyền hoặc đã tham gia cộng tác với các tổ chức nước ngoài chống phá Đảng, Nhà nước. Mang tiếng là “cung cấp thông tin bổ ích” nhưng họ cũng không hướng dẫn các kiến thức pháp luật xung quanh việc bầu cử mà thay vào đó là việc “bày vẽ” các thủ đoạn để “vận động tranh cử trên mạng”, xây dựng cương lĩnh, giúp làm các clip ngắn mà nội dung thực chất của các clip này là đưa ra các thông tin trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.


 


Ảnh có tính minh họa. 



Thực chất cái gọi là “vận động tranh cử qua mạng”?

Cùng với việc tung tin, bài có nội dung xấu thì những trang mạng này còn tiến hành “vận động ứng cử qua mạng” cho một số người tự ứng cử. Trong đó, hoạt động tương đối rầm rộ là “xui” người tự ứng cử thu thập chữ ký ủng hộ hoặc đăng hình ảnh chứng minh thư lên trang cá nhân của người tự ứng cử đề bày tỏ sự ủng hộ. 

Việc làm này thực chất để làm gì?

Theo đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các quy định của pháp luật hiện hành không yêu cầu người ứng cử phải thu thập chữ ký ủng hộ của cử tri hay thu thập thông tin ủng hộ trên mạng.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND ở đơn vị nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (25 ngày trước ngày bầu cử) và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ. Về hình thức vận động bầu cử, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định hai hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Có 4 hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, trong đó có việc lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

Đối chiếu với các quy định trên thì việc một số người tự ứng cử hiện nay tiến hành các hoạt động gọi là "vận động tranh cử trên mạng" vừa chưa đúng với các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, vừa có dấu hiệu bất thường. Người khởi xướng phong trào tự vận động qua mạng và thu thập chữ ký này cũng công khai thừa nhận việc này pháp luật không quy định nhưng nếu thu thập được khoảng 5.000 chữ ký người ủng hộ thì sẽ nói lên giá trị “thương hiệu”, tầm ảnh hưởng của người tự ứng cử. Việc này có lẽ không cần thiết với những người ứng cử thật sự mong muốn trúng cử để giúp dân, giúp nước, vì cái họ cần sự ảnh hưởng là cử tri nơi mình cư trú và đăng ký ứng cử, chứ không phải khoe mẽ tạo “thương hiệu” bằng sự trợ giúp của các đối tượng "cùng hội cùng thuyền".

Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được tại quận Long Biên, TP Hà Nội thì một trường hợp tự ứng cử và tự đi thu thập chữ ký ủng hộ nhưng đã bị nhiều người dân phản đối, bất tín nhiệm. Ông Nguyễn Văn Bái, Tổ trưởng tổ dân cư khu phố 12, phường Gia Thụy, quận Long Biên, cho biết: "Người tự ứng cử này sinh sống tại đây gần chục năm nhưng hàng xóm chỉ vài người biết mặt chứ không biết tên, gặp bà con cũng không chào hỏi. Thế mà hôm mồng 4 Tết vừa qua, ông ấy bỗng dưng đi chúc Tết khắp lượt họ hàng, làng xóm, trong đó có cả nhà tôi với mục đích chính để vận động xin chữ ký, nhằm tranh thủ sự ủng hộ. Tuy nhiên, danh sách ký ủng hộ ông ấy cũng chỉ được khoảng chục người, chủ yếu là những cụ già trên 80 tuổi, không còn minh mẫn, và họ hàng".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu quan điểm: Hiện nay, không có quy định nào về việc vận động qua mạng. Các hình thức vận động là qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. “Cả năm, cả đời anh không về thôn đó, xóm đó, tự dưng anh lại về làm động tác như tặng quà, làm từ thiện... Những hành động tương tự như thế, MTTQ, các đoàn thể sẽ giám sát rất chặt chẽ”-ông Pha cho biết thêm khi trả lời báo chí.

Vi phạm pháp luật

Trang mạng xã hội “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” chỉ là một trang facebook, không nêu thuộc về một tổ chức hay cá nhân nào nhưng hiện đang hoạt động như một tờ báo điện tử. Trang này còn ngang nhiên tiến hành cử người xưng là “phóng viên” đi phỏng vấn một số người tự ứng cử, trong đó phần lớn là những nhân vật “xã hội dân sự”. Sau khi phỏng vấn, các clip hoặc bài viết sẽ được đăng lên trang như một bài báo và tán phát đi nhiều trang khác, trong đó “cài” vào những nội dung xấu. Chẳng hạn, trong hai bài phỏng vấn một luật sư tự ứng cử, người xưng là phóng viên đều đặt câu hỏi đại ý: "Theo ông có cần xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp để cho cuộc bầu cử được tiến bộ hơn không?”. Người trả lời, tuy không trực tiếp nêu quan điểm nhưng cũng lòng vòng viện dẫn là phải thay đổi, qua đó thực chất phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng được hiến định trong Hiến pháp.

Đặc biệt, một diễn viên cũng tuyên bố tự ứng cử đã hai lần trả lời phỏng vấn trang mạng này và cả một số đài, báo nước ngoài. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, anh này lại tỏ ra hồn nhiên: "Không biết trang đó có là báo chí hay không, chỉ biết có mấy thanh niên đến phỏng vấn, quay phim “lăng xê” giúp mình thì “OK” hết và cũng không biết những người phỏng vấn kia ở đâu, với mục đích gì".
Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin điện tử trên internet tại Điều 20 đã quy định rõ: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó... Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp...”.

Vậy mà, dù trang mạng kia không phải là cơ quan báo chí, cũng không phải là trang tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động báo chí, cử người đi phỏng vấn, viết bài, cung cấp nhiều thông tin sai sự thật, có nội dung xấu về bầu cử đại biểu Quốc hội. Đây là sai phạm cần được xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm.

Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 đã nêu rõ phải ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Vì vậy, các cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan an ninh cần sớm điều tra, làm rõ các hành vi sai phạm của trang mạng "Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016" cùng một số trang khác và các đối tượng liên quan. Trong đó, cần điều tra làm rõ cả động cơ, việc làm của những người xưng là phóng viên, người cộng tác; không để tán phát thông tin xấu, “gây nhiễu” và phá hoại bầu cử.
 
Theo Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc - Cộng tác viên/báo Quân đội Nhân dân