Bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch
“Thắng lợi đầu tiên và quan trọng nhất của cuộc bầu cử lần này chính là thắng lợi của dân chủ, của công khai và minh bạch”. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia với báo giới ngay sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Thực tế trong thời gian qua, ở tất cả các địa phương trong cả nước, từ việc lựa chọn người ứng cử, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đến việc tổ chức các vòng hiệp thương để ra được danh sách ứng cử viên chính thức đều được tiến hành dân chủ, đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Quá trình vận động bầu cử của các ứng cử viên cũng được thực hiện rất công bằng, dân chủ và công khai. Ứng cử viên là lãnh đạo cấp cao ở Trung ương hay người tự ứng cử, người là đảng viên, người không phải là đảng viên... cũng đều phải vận động bầu cử với thời lượng và hình thức như nhau. Thế nhưng không hiểu vì sao trên internet, một số người vẫn cho rằng “nguyên nhân của việc một số người tự ứng cử và người ngoài đảng không trúng cử là do việc vận động bầu cử không công bằng”.

 Ngày hội bầu cử của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN.

Một điểm mới rất quan trọng trong cuộc bầu cử này theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là trong quá trình kiểm phiếu, lần đầu tiên, chúng ta thực hiện quy định cho phép ứng cử viên, cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu; phóng viên báo chí được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu. Đây là bước tiến rất quan trọng bảo đảm việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của chúng ta thực sự dân chủ, công khai, minh bạch.  
Có người so sánh việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở Việt Nam với một số nước và “phán quyết” rằng, “việc tổ chức bầu cử ở Việt Nam đã lỗi thời”. Người viết bài này đã được đi một số nước mà một số người ca ngợi là “dân chủ”, thăm các nghị viện của họ, tiếp xúc với khá nhiều nghị sĩ và thấy rằng, mỗi quốc gia có cách thức tiến hành bầu cử khác nhau, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa, kinh tế của mình. Thế nhưng, tất cả các nước đều có các quy phạm pháp luật về bầu cử. Việc giới thiệu ứng cử viên ở hầu hết các nước đều do các đảng phái chính trị thực hiện. Thí dụ, ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viện là độc quyền của các đảng chính trị. Ở Mỹ, việc lựa chọn ứng cử viên để bầu cử Tổng thống, Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ, chủ yếu chỉ có đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ luôn cạnh tranh nhau... 
Ở Việt Nam hiện nay, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử). Nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được luật quy định là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân được quy định: Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Về điểm này, quyền ứng cử ở Việt Nam còn tiến bộ, thông thoáng hơn ở nhiều nước khác.
Về tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội
Trong danh sách 870 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV có 97 người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (chiếm khoảng 11% so với tổng số các ứng cử viên). Tuy nhiên, kết quả bầu cử chỉ có 21 người ngoài đảng trúng cử đại biểu Quốc hội  khóa XIV, chiếm 4,2% tổng số đại biểu Quốc hội, giảm hơn so với Quốc hội khóa XIII. Kết quả này phản ánh sự lựa chọn, ý chí và nguyện vọng của cử tri. Thế nhưng phiến diện nhìn vào kết quả này, cũng có người lại cho rằng “đảng độc quyền trong quốc hội”; “tỷ lệ người không phải là đảng viên quá ít trong Quốc hội sẽ ảnh hưởng đến không khí dân chủ”... Có người còn đòi “bầu thêm các đại biểu không phải là đảng viên”...
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV về tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, khẳng định: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cử tri hoàn toàn có quyền lựa chọn người đại diện cho mình tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bầu cho ai, không bầu cho ai là quyền của cử tri.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Không phải cứ có ít đại biểu Quốc hội là đảng viên thì mới bảo đảm tính dân chủ của Quốc hội. Yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm dân chủ trong Quốc hội vẫn phải là công khai, minh bạch mọi hoạt động của Quốc hội từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc này thì Quốc hội khóa XIII đã làm khá tốt và chắc chắn Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục làm tốt hơn, mọi hoạt động của Quốc hội sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân cả nước được biết, qua đó, người dân có thể giám sát được hoạt động của Quốc hội.
Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, bất kỳ đại biểu Quốc hội nào, dù có phải là đảng viên hay không phải là đảng viên cũng đều phải hoạt động theo pháp luật và theo ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Không đại biểu Quốc hội nào được phát biểu hay có những hoạt động đứng trên luật pháp, đứng ngoài luật pháp.
Trong số những người ngoài Đảng trúng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này có Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Đây là lần trúng cử thứ tư liên tiếp của ông tại đơn vị bầu cử tỉnh Đồng Nai sau các khóa: XI, XII, XIII.  Bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XIII, ông Dương Trung Quốc đã có lần kể rằng: “Một vài cơ quan truyền thông nước ngoài hỏi tôi có nghĩ rằng mình là "đối lập" không? Tôi trả lời tôi chỉ cố là một tiếng nói "độc lập" để đóng góp cho lợi ích chung thôi”.
Vì sao số người tự ứng cử trúng cử thấp?
Trong danh sách 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 người tự ứng cử trúng cử, thấp hơn so với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Vì sao lại có tình trạng này?
Hiến pháp, văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 27 quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Pháp luật về bầu cử của Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các công dân thực hiện quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND. Cũng như nhiều nước trên thế giới, để có tên trong danh sách bầu cử, tất cả các ứng cử viên, không phân biệt nghề nghiệp, chức vụ, người được giới thiệu và người tự ứng cử đều phải trải qua các vòng hiệp thương. Tại Việt Nam, các vòng hiệp thương này do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, để cử tri nơi công tác và nơi cư trú góp ý, lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.
Cũng có người thắc mắc: Tại sao lại cần lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú? Xin thưa: Vì họ là những người sâu sát, có đủ thông tin về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như năng lực công tác của ứng cử viên... Thực hiện quy định đó, tại hội nghị cử tri, đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cử tri sẽ quyết định ai xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử để bầu làm đại biểu Quốc hội. Ở đó, mọi người đều bình đẳng, không có chuyện "phân biệt đối xử", hay "đấu tố" như ai đó rêu rao. Đến việc tổ chức vận động bầu cử cũng vậy, tất cả đều công khai, bình đẳng và được nhân dân giám sát. Tại nơi bỏ phiếu, các cử tri lại một lần nữa đọc tóm tắt tiểu sử của các ứng cử viên rồi bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Như vậy, một số người tự ứng cử không trúng cử là do sự tín nhiệm của cử tri với họ chưa cao. Tại cuộc bầu cử vừa qua, trên phạm vi cả nước, chưa phát hiện vụ việc vận động bầu cử trái pháp luật nào. Không phát hiện trường hợp ép phải bầu cho người này, không bầu cho người khác.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở Việt Nam vẫn còn có nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm, một số địa phương vẫn còn có những thiếu sót, nhưng xét về tổng thể, cuộc bầu cử là thành công. Những ý kiến lạc lõng cho rằng, cuộc bầu cử vừa qua là áp đặt, lạc hậu, mất dân chủ... đều là xuyên tạc, bịa đặt bởi lẽ sự thật vẫn là sự thật.
PHÚ QUÝ (Báo Quân đội Nhân dân điện tử)