Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, April 27, 2016 , 0 bình luận

Sự việc bắt đầu từ sự nhầm lẫn đáng tiếc ở một trường phổ thông. Mấy ngày qua, báo chí đưa tin công trình măng non “Trang sử hồng trường ta” của Trường Tiểu học - THCS Phú Xuân (Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp) sử dụng ảnh kẻ sát nhân làm biểu tượng anh hùng Lê Văn Tám.

Nội dung sự việc như sau: Đầu năm 2015, Trường Phú Xuân thực hiện công trình măng non “Trang sử hồng trường ta” để giới thiệu với học sinh về tấm gương dũng cảm của các anh hùng, trong đó có anh hùng Lê Văn Tám. Lãnh đạo nhà trường thừa nhận, khi triển khai, các em học sinh đã nhờ đơn vị ở ngoài in ấn rồi mang về trường treo mà thiếu xác minh lại ảnh anh hùng Lê Văn Tám.


Khi một đoàn từ thiện đến thăm trường, tặng quà cho các học sinh nghèo hiếu học đã tình cờ phát hiện sự nhầm lẫn này và phản ánh với nhà trường. Qua xác minh, bức ảnh được dùng làm chân dung anh hùng Lê Văn Tám là đối tượng Lê Văn Tấn (38 tuổi, ngụ tại ấp Kênh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Lê Văn Tấn là kẻ giết người, hiếp dâm bé gái 7 tuổi hồi tháng 1-1997 và đã bị tử hình. Qua rà soát, Phòng GD&ĐT huyện cũng phát hiện có thêm hai trường hợp khác sử dụng ảnh người khác làm ảnh anh hùng Lê Văn Tám trên báo tường của học sinh.


Sự nhầm lẫn nói trên là rất đáng trách, nhất lại là công trình măng non mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, để nhầm lẫn tai hại giữa ảnh của vị anh hùng huyền thoại với ảnh của kẻ sát nhân, đã bị pháp luật xử tử. Sự cố đó gây ảnh hưởng đến tâm lý, dư luận không tốt trong học sinh, phụ huynh nhà trường cũng như trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, cần được nhìn nhận theo đúng tính chất và lỗi của người thực hiện. 


Cụ thể, người thực hiện là các em học sinh tiểu học, do sự cẩu thả của trẻ thơ nên đã đăng nhầm ảnh (rất có thể các em tra ảnh trên mạng và nhầm lẫn khi gõ sai tên Lê Văn Tám thành Lê Văn Tấn). Đây là lỗi vô ý của các em học sinh, đồng thời, giáo viên và nhà trường cũng thiếu sót, không kiểm tra chặt chẽ, để bức ảnh được đăng và treo trên báo tường một thời gian mới được phát hiện.


Bản chất sự việc là như vậy nhưng từ khi báo chí thông tin đã được rất nhiều mạng trong và ngoài nước dẫn lại. Từ sự nhầm lẫn đáng tiếc này, một số mạng ngoài nước đã cố tình đẩy sự việc lên quá xa sự thật, cho rằng đây là sự “xảo trá chính trị”, là “bi kịch Việt Cộng”, cố tình lái vấn đề mang tính chính trị khi áp đặt đây là lỗi cố ý để quy kết Lê Văn Tám “cũng chỉ là kẻ sát nhân như Lê Văn Tấn”… 


Tiếp sức cho những trang mạng xấu vốn luôn dòm ngó “vạch lá tìm sâu”, vu cáo, bịa đặt các sự việc để chống phá Việt Nam, không ít cá nhân là cư dân mạng cũng tự biến mình thành người “chém gió”, vô tình đẩy vấn đề lên quá mức bằng những bình luận (comment) trên blog, facebook, các diễn đàn xã hội. Từ chỗ nhằm vào sai sót của các em học sinh, một số bài viết, comment còn xoáy lại lịch sử, chỉ trích nhân vật huyền thoại Lê Văn Tám, quy kết, bôi nhọ các nhân vật lịch sử và thể chế chính trị…


Rõ ràng, một sự việc, một sai sót của học sinh, của nhà trường hoàn toàn do lỗi vô ý lại bị biến thành vấn đề có tính chính trị để quy kết, suy diễn chủ quan như trên là rất tai hại, đẩy sự việc đi quá xa sự thật, quá xa bản chất ban đầu. Chúng ta không coi nhẹ những sai sót đó song trên thực tế, việc sử dụng công nghệ mạng để viết bài, trích dẫn tư liệu, đăng ảnh, chỉnh sửa hình ảnh… đều rất dễ nhầm lẫn nếu thiếu kiểm tra cẩn trọng.


Khi sử dụng công cụ tìm kiếm (google, người tra cứu rất dễ bị nhầm về tư liệu, hình ảnh nếu không đối chiếu, rà soát kỹ, nhất là nhầm lẫn giữa tên người này với người khác). Trên báo chí, sự nhầm lẫn tương tự cũng đã xảy ra không ít theo kiểu “râu ông cắm cằm bà”, tên một đằng, ảnh một nẻo.


Chẳng hạn, một số người sử dụng mạng, tra cứu bản đồ đã tra vào những hình ảnh bản đồ không chính thống như bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tên của quần đảo bị viết sai, viết không đúng quy chuẩn, quy định…


Chẳng hạn, năm 2013, tại hội chợ du lịch quốc tế ở Đức, gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam lại treo ảnh một điểm tham quan của Trung Quốc. Qua kiểm tra, sơ suất là do đơn vị thi công cùng lúc thi công nhiều gian hàng cho các nước khác nhau nên họ đã sử dụng nhầm bức ảnh địa danh Trung Quốc của một gian hàng khác trên gian hàng của mình.


Những sai sót như nêu trên là đáng tiếc, gây ảnh hưởng không tốt và đều đã được kiểm tra, khắc phục, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Đó cũng là bài học về sự cẩn trọng khi sử dụng mạng Internet để tra cứu, nhất là những nội dung liên quan lịch sử, danh nhân, lãnh đạo cấp cao, chủ quyền, lãnh thổ vốn có tính nhạy cảm cao. Vấn đề là trong mọi trường hợp, cần xác định rõ tính chất sai phạm, do lỗi cố ý hay vô ý, chủ thể thực hiện, mức độ, phạm vi ảnh hưởng. Lâu nay, những trang mạng nước ngoài của các chủ thể là cá nhân, tổ chức lập ra vốn thù địch hay không ưa Việt Nam và thể chế chính trị của ta vẫn tìm cách chọc ngoáy “bới lông tìm vết”, “đâm thóc chọc gạo” nên không khó hiểu khi họ có những bài viết đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, tung hỏa mù, làm nghiêm trọng các hiện tượng tiêu cực, các biểu hiện sai sót trong đời sống xã hội.

Là người sử dụng mạng xã hội có chính kiến, mỗi chúng ta hãy tỉnh táo, đừng vì sự bốc đồng, lên mạng viết lách, bình chế để cố tỏ “anh minh hơn người” hay ngẫu hứng theo kiểu “thích là viết” mà vô tình tiếp tay gây nhiễu xã hội. Điều ấy khác gì ta tự gõ vào chính ta!


Theo Đăng Trường (Báo Công an Nhân dân điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X